Điện Biên: Việc cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp cho dân bao giờ xử lý dứt điểm?

Trần Hương| 13/10/2021 18:15

(TN&MT) - Trong rất nhiều năm qua, tình trạng đất lâm nghiệp bị cấp chồng lấn, khó xác định chủ sở hữu diễn ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Đây là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai một số dự án nông nghiệp, lâm nghiệp liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất, cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân bị chậm lại. Điển hình là dự án cây cao su hiện đã đến kỳ cho thu hoạch, nhưng vì người dân chưa được cấp GCNQSDĐ nên chưa ký hợp đồng thuê đất với Cty CP Cao su Điện Biên. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang triển khai một số dự án nông – lâm nghiệp. Đặc biệt, mới đây nhất là cây mắc ca đang được trồng ở hầu hết 6/11 huyện thị, thành phố... Trước đó, cách đây gần 10 năm thì cây cao su cũng là một trong những cây công nghiệp được triển khai trồng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố của Điện Biên. Song, tất cả các dự án nông, lâm nghiệp triển khai trên địa bàn đều chung một tình trạng, đó là khó xác định được chủ sở hữu hoặc xảy ra tình trạng tranh chấp hoặc sai sót về thông tin chủ hộ. Thậm chí có những trường hợp người dân lại không có mặt tại địa phương.

Đây là hệ lụy của việc “giao đất, giao giời” trước đó; giao đất cho dân nhưng không bàn giao ngoài thực địa mà chỉ giao trên giấy nên khó xác định được mốc giới, tọa độ, hộ giáp ranh… dẫn đến nhiều chồng chéo và bất cập.

Anh Lò Văn Bỉnh, bản Pó Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, bức xúc: Gia đình tôi có gần 1ha diện tích đất lâm nghiệp góp trồng cao su. Đến nay, diện tích cao su một số khoảnh đã cho thu hoạch mủ, muốn nhận lại lợi nhuận từ việc góp đất trồng cao su với C.ty CP Cao su Điện Biên, nhưng vì chưa có GCMQSDĐ nên không ký được hợp đồng cho thuê đất với công ty này. Và cũng không biết khi nào huyện Điện Biên thực hiện xong việc cấp GCNQSDĐ cho chúng tôi.

Được biết, không riêng gì hộ anh Lò Văn Bỉnh ở Pó Hóng mà 114 hộ ở các xã Thanh Xương, Thanh An, Mường Phồn, Hua Thanh… cũng đang trong tình trạng chồng lấn diện tích đất lâm nghiệp chưa xác định được vị trí, gianh giới, chủ sở hữu có tổng diện tích 65,60ha đất góp trồng cao su… đang trông chờ phía huyện Điện Biên giải quyết, xử lý dứt điểm.

Còn đối với hộ nhà ông Lù Văn Phương, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng thì lí do mà gia đình ông vẫn chưa được ký hợp đồng góp đất với C.ty CP Cao su Điện Biên là do huyện Mường Ảng cấp GCNQSDĐ sai vị trí thực tế, sai tên hộ góp đất.

Công nhân Công ty cổ phần cao-su Điện Biên khai thác mủ cao-su.

Cũng theo số liệu thống kê của C.ty CP Cao su Điện Biên thì toàn tỉnh còn khoảng 153 hộ, có diện tích đất 91,53ha góp trồng cao su chưa được cấp GCNQSDĐ để ký hợp đồng thuê đất. Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phan Tiến Lợi, Tổng Giám đốc C.ty CP Cao su Điện Biên, cho biết: Theo thông báo mới nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo giá, phiên giao dịch mới nhất chiều qua (ngày 12/10/2021) giá mủ cao su quy khô hiệu FVR10 giá tăng lên trên 38 triệu đồng/tấn mủ quy khô. Đây là một tín hiệu rất tốt cho thị trường mủ cao su Việt Nam. Đồng nghĩa với đó, các hộ dân góp đất trồng cao su cũng sẽ được chia cổ tức, lợi nhuận… cho thuê đất được tăng lên. Nếu giá mủ ổn định từ 38 triệu đồng/tấn mủ quy khô trở lên thì ước tính Công ty chúng tôi sẽ phải trả tiền thuê đất cho các hộ dân ở Điện Biên, mỗi năm khoảng gần 20 tỷ đồng. Hiện nay, rất nhiều hộ dân ở nhiều huyện, thành phố Điện Biên Phủ kiến nghị lên phía Công ty chúng tôi đòi tiền thuê đất trồng cao su… nhưng vì chưa ký hợp đồng thuê đất nên không có cơ sở để chi khoản tiền đó cho dân.  

Là một trong những huyện có diện tích đất cấp chồng lấn, khó xác định được gianh giới, diện tích, chủ sở hữu… và số hộ chưa được cấp GCNQSDĐ nhiều nhất tỉnh Điện Biên, ông Ngô Xuân Chinh, Phó chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: Hiện nay, việc cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho dân ở một số xã trong huyện gặp rất nhiều vướng mắc. Điển hình như xã Hua Thanh và xã Mường Pồ đang bị chồng lấn về địa giới hành chính. Tuy nhiên, để giải quyết việc cấp GCNQSDĐ cho toàn bộ 153 hộ đang bị vướng mắc ở việc xác định gianh giới, chủ sở hữu… trong một sớm một chiều là một việc làm khó, chưa thể giải quyết ngay.

Tháng 8/2021, chúng tôi đã giao Phòng Tài nguyên và môi trường phối hợp với phía C.ty CP Cao su Điện Biên xác định lại toàn bộ diện tích cao su đã trồng tại huyện, diện tích đất của dân hiện chưa được cấp GCNQSDĐ. Trên cơ sở đó, dự kiến kết thúc tháng 10/2021 chúng tôi sẽ giải quyết, cấp GCNQSDĐ được khoảng 30ha trong tổng số hơn 65ha đang bị cấp chồng lấn, khó xác định chủ hộ và gianh giới... Số còn lại phải xin chủ trương từ tỉnh, vì vụ việc kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay rất phức tạp. 

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên khai thác mủ trên địa bàn xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên).

Được biết, hiện nay, C.ty CP Cao su Điện Biên; là một trong những đơn vị có quỹ đất để phát triển dự án lớn nhất hiện nay của Điện Biên, khoảng gần 5.000ha. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp thuê của dân là chủ yếu, đến nay trong tổng số 4.534,5ha đất lâm nghiệp dân góp trồng cao su. Phía Cty CP Cao su Điện Biên đã ký hợp đồng được với các hộ dân sấp sỉ 43.000ha. Diện tích đất Cty CP Cao su Điện Biên chưa thể ký hợp đồng thuê lại của dân còn khoảng 238,5ha, rơi vào 283 hộ, rơi vào các huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP. Điện Biên Phủ.

Trước đó, ngày 24/9/2021 UBND tỉnh Điện Biên ban hành Công văn số 3178/UBND-KTN, về việc xử lý những tồn tại khó khăn vướng mắc trong việc quản lý, sở dụng đất góp trồng cao su. Theo đó, UBND tỉnh Điện Biên giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thành phố Điện Biên Phủ; C.ty CP Cao su Điện Biên phối hợp rà soát lại toàn bộ diện tích đất góp trồng cao su hiện chưa cấp được GCNQSDĐ cho dân. Tuy nhiên, đến nay duy chỉ có huyện Mường Chà đã xử lý xong những tồn tại vướng mắc của việc cấp GCNQSDĐ cho dân. Các huyện, thành phố còn lại vẫn chưa thấy có kết quả.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn khoảng 191.000ha diện tích các đất các loại chưa sử dụng. Nếu địa phương không làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lộ trình ngắn hạn và dài hơi trong khâu quản lý, sử dụng đất đai nói chung và đất dành cho phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp nói riêng thì rất khó có thể thu hút, kếu gọi được các nhà đầu tư; đất nhiều là thế, quỹ đất dồi dào là thế nhưng đụng đâu cũng thấy vướng và dự án phát triển cây cao su ở Điện Biên chỉ là một ví dụ điển hình trong công tác quản lý đất đai ở địa phương này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Việc cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp cho dân bao giờ xử lý dứt điểm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO