Điện Biên: Thông các tuyến đường vùng cao sau mưa lũ
(TN&MT) - Mùa mưa năm 2023 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra nhiều đợt mưa to và rất to gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và đặc biệt làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, khiến cho việc đi lại, lưu thông của người và phương tiện trở lên khó khăn. Thế nhưng đến nay, bằng sự nỗ lực, cố gắng, tập trung nguồn lực để khắc phục, sửa chữa, các cung đường giao thông của các địa phương trong tỉnh Điện Biên đã được khôi phục trở lại, giao thông đi lại an toàn và thông suốt.
Qua khảo sát đánh giá của các địa huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên, rất nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện, dọc Quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà – huyện Mường Nhé, nhiều điểm sụt, sạt lớn sau mưa lũ. Đặc biệt, trên Quốc lộ 4H, tại xã Mường Nhé, khu vực cầu Nậm Nhé II, đoạn Km135+850, (hướng TP. Điện Biên Phủ – Mường Nhé) cây cầu huyết mạch nối tuyến đường từ Trung tâm huyện Mường Nhé đi TP. Điện Biên Phủ bị sập gãy, làm địa phương này bị cô lập.
Trong ngày khai giảng năm học mới (ngày 5/9) vừa qua, các thầy cô giáo và học sinh phải đi bè tạm qua sông. Các phương tiện từ TP. Điện Biên Phủ đi vào huyện và xe từ Trung tâm huyện Mường Nhé đi ra tỉnh đều phải đi bằng bè tre tạm. Những xe có trọng tải lớn đều phải đi qua suối ngầm, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Trước tình thế cấp bách, ngày 9/8/2023 Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng lựa chọn và giao nhà thầu khỏi công cầu tạm Nậm Nhé II. Sau 20 ngày thi công, ngày 11/9/2023 cầu tạm Nậm Nhé II đã được bàn giao và đưa vào sử dụng, thông tuyến huyết mạch nối hyện Mường Nhé đi ra tỉnh Điện Biên và các địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Sự, Chỉ huy công trình của Công ty TNHH TM&XD số 6, tại khu vực Cầu Nậm Nhé II cho biết: Để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân và phương tiện, chúng tôi đã làm cầu tạm nhanh nhất có thể. Nhờ công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả và tập trung thi công khẩn trương, sau 20 ngày cầu tạm trên quốc lộ 4H đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Riêng đối với cây cầu chính, do khối lượng công việc khá lớn nên việc thi công sẽ phải kéo dài thời gian, nhanh cũng phải đến hết tháng 6/2024.
Hiện nay, tại huyện Mường Nhé địa phương mới thiệt hại nặng nhất về đường giao thông, các tuyến đường giao thông trong huyện chủ yếu là đường cấp IV, cấp V miền núi, nhiều đèo, dốc và đi qua các khu vực có địa hình, địa chất phức tạp. Theo thống kê, trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Mường Nhé có 15 tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính 30 tỷ đồng. Trong đó, một số tuyến bị thiệt hại nặng như: Ðường Mường Toong - Huổi Lếch - Nậm Mỳ; tuyến Nậm Khum - Nậm Sin - Nậm Vì; tuyến Nậm Kè - Pá Mỳ, tuyến Sen Thượng - Lò San Chái; tuyến Sen Thượng - Tả Long…
Ông Ðàm Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mường Nhé cho biết: Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Mường Nhé trích kinh phí dự phòng ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ thiệt hại do mưa lũ, trong đó có hỗ trợ đảm bảo giao thông (thông tuyến) tại một số tuyến đường cấp huyện. Một mặt bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, mặt khác trùng tu để các công trình giao thông không bị hư hỏng thêm. Hiện chúng tôi đã giao đơn vị chủ đầu tư kiểm tra, chỉ đạo nhà thầu thực hiện các phương án chuẩn bị và bố trí thường trực đảm bảo giao thông. Với các tuyến đường đang trong giai đoạn thi công, bảo hành thì sử dụng vật tư, lực lượng và phương tiện của các doanh nghiệp đang thi công.
Ðể khắc phục hoàn toàn thiệt hại do mưa lũ, huyện Mường Nhé đã đề xuất nhu cầu kinh phí với tổng nguồn vốn 25 tỷ đồng nhằm sửa chữa các tuyến đường cấp huyện, đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện trên địa bàn qua lại. Ðến nay, huyện Mường Nhé đảm bảo thông tuyến bước một cho xe và người đi lại trên 20 tuyến đường cấp huyện.
Được biết, thiệt hại về các tuyến giao thông liên xã, liên thôn bản trong đợt mưa lũ vừa qua không riêng gì huyện Mường Nhé, một số huyện như: Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà, Điện Biên Đông nhiều tuyến đường cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện nay, các địa phương cũng đang rà soát tổng thiệt hại cũng như việc khắc phục hậu quả bước 1 sau mưa lũ để thông đường cho người dân đi lại.
Cùng nằm trên trục đường Quốc lộ 4H như huyện Mường Nhé, huyện Nậm Pồ, đợt mưa lũ vừa qua đã làm thiệt hại sụt sạt về giao thông ước khoảng 11 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Ngoài việc tu sửa, khắc phục những thiệt hại về thiên tai trên các tuyến đường giao thông nội huyện, chúng tôi còn phối hợp với Sở Giao thông vận tải Điện Biên xác định, đánh giá hiện trạng đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại một số vị trí trên tuyến Quốc lộ 4H, 4H1 thuộc địa giới hành chính huyện Nậm Pồ, từ đó đảm bảo thông tuyến cho người và phương tiện lưu thông qua huyện Nậm Pồ đi các tỉnh, địa phương khác.
Đối với một số huyện khác như: Điện Biên Đông và Tủa Chùa, Tuần Giáo các phương án hót sụt, hót sạt đều được địa phương khẩn trương thực hiện ngay khi tuyến đường xảy ra sự cố sạt lở. Hiện nay 100% các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, liên bản của tỉnh Điện Biên đều được xử lý tạm thời, khắc phục sạt lở sau mưa lũ để đảm bảo cho người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường nội tỉnh giúp người dân đi lại thuận tiện, lưu thông hàng hóa…