Xã hội

Điện Biên: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường vùng DTTS

Hoàng Châu 27/08/2024 - 17:35

(TN&MT) - Tỉnh Điện Biên có những bản làng với không gian sống, văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực đậm chất vùng cao. Đó là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm qua, Điện Biên đã có nhiều hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến để kêu gọi, thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển các tiềm năng này thành sản phẩm du lịch.

Hiện nay, nhiều cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn giữ được bản sắc riêng từ trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của dân tộc. Các giá trị văn hóa này không chỉ quảng bá văn hóa bản địa, mà còn cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho đồng bào, trở thành đòn bẩy, chủ lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Chuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên là tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Với nhiều di tích lịch sử có giá trị, cộng đồng các dân tộc có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán, Điện Biên xác định phát triển du lịch là một trong những hướng đi giúp phát triển kinh tế xã hội địa phương, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc phát huy thế mạnh này cũng luôn gắn với bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp vốn có ở vùng cao.

Trong năm qua, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đoàn famtrip khảo sát tiềm năng du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình khảo sát, đoàn famtrip thực địa tại các điểm có tiềm năng du lịch, bản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, TX. Mường Lay.

a3.jpg
Ðồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên với đa dạng các nét văn hóa truyền thống là tiềm năng phát triển du lịch.

Những địa điểm khảo sát không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư, mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đồng bào các dân tộc đã biết tận dụng những nghề truyền thống, những món ăn dân dã, điệu múa; những căn nhà sàn truyền thống… để tạo sự khác biệt, thu hút du khách đến thăm quan, giao lưu, khám phá.

Đồng thời, để phát triển du lịch hiệu quả, quảng bá được văn hóa bản địa, cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho đồng bào, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực… thì yếu tố cũng rất quan trọng là cảnh quan và môi trường. Môi trường xanh - sạch - đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Bảo vệ môi trường trong du lịch là một trong những yếu tố không chỉ làm cho làng bản sạch sẽ, thu hút khách du lịch, mà đó còn là một trong những nếp sống văn hóa hiện nay. Người dân có trách nhiệm gìn giữ môi trường chung, tạo cảnh quan, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống, bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch.

a1.jpg
Các điệu múa, phong tục tập quán truyền thống vẫn được gìn giữ và lưu truyền.

Mặt khác, để tránh việc xả rác bừa bãi và "nói không với rác thải nhựa" để nâng cao chất lượng du lịch, du khách được sử dụng các dụng cụ sinh hoạt có nguồn gốc thiên nhiên từ tre, nứa... việc sử dụng cốc làm từ tre, túi đan bằng nứa, bằng vải của bà con vùng dân tộc, thay cho những vật dụng bằng nhựa và túi ni lông, một mặt giúp du khách được trải nhiệm cuộc sống thực tế của đồng bào dân tộc, mặt khác góp phần giúp cho địa phương giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường và nâng cao chất lượng du lịch tại địa phương.

Có thể thấy, sức thu hút của du lịch ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi từng bước tăng lên, giá trị và sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch được khai thác và khẳng định, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt; góp phần bảo tồn và đa dạng hóa sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường vùng DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO