Hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa, đoàn viên thanh niên các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Nưa, Núa Ngam, huyện Điện Biên đã cùng nhau triển khai một hoạt động đầy ý nghĩa: Thiết kế những “ngôi nhà xanh”, "ngôi nhà 200 đồng”. Mô hình “ngôi nhà xanh” “ngôi nhà 200 đồng” được các đoàn viên, thanh niên làm từ những nguyên vật liệu tận dụng, phế liệu tận dụng, như: Sắt thép, lưới B40, tấm tôn… với nhiều kích thước khác nhau được thiết kế phù hợp với các lứa tuổi các em học sinh.
“Ngôi nhà xanh”, “ngôi nhà 200 đồng” được các nhà trường dùng là nơi tập kết phế liệu, thu gom phế liệu và rác thải nhựa tại các trường học trên địa bàn huyện. Chị Lò Thị Thúy, Bí thư Ðoàn xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, cho biết: Mỗi “ngôi nhà xanh” sau khi hoàn thành được Ban chấp hành đoàn xã Thanh Luông bàn giao cho các trường học trên địa bàn để nhà trường hướng dẫn, tuyên truyền học sinh sử dụng hiệu quả, qua đó góp phần giảm thiểu các loại rác thải nhựa xả ra môi trường. Tùy thuộc tình hình cụ thể mỗi tuần hoặc mỗi tháng, khi “ngôi nhà xanh” đầy phế liệu, Đoàn xã phối hợp với Ban giám hiệu các trường tổ chức phân loại mang đi bán, gây quỹ khuyến học hỗ trợ học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Không riêng gì chi hội phụ nữ, đoàn thành niên huyện Điện Biên, lan tỏa từ phòng trào ấy, những năm qua, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Mường Chà (LHPN) đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao nhận thức của hội viên và nhân dân trong việc hưởng ứng phong trào “ Chống rác thải nhựa”. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilong góp phần bảo vệ môi trường.
Những ngôi nhà 200 đồng được nhà trường dùng là nơi tập kết phế liệu, rác thải nhựa |
Bà Lò Thị Lai, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà, cho biết: Ðể phong trào “Chống rác thải nhựa” nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của cán bộ, hội viên, Hội LHPN huyện Mường Chà đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở hội tích cực triển khai thực hiện, phát động phong trào đến toàn thể hội viên.
Ðồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon đối với môi trường và sức khỏe con người; sự cần thiết của việc giảm thiểu rác thải nhựa. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú đã được Hội triển khai, như: Lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết, buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, buổi truyền thông; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của huyện, xã...
Ðặc biệt, nội dung tuyên truyền hết sức cụ thể, thiết thực như vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon bằng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Cán bộ hội phụ nữ các cấp ngoài việc gương mẫu thực hiện cũng tích cực vận động người thân, gia đình, bạn bè hạn chế sử dụng túi nilon, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện nghiêm túc việc không dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong tổ chức các sự kiện của cơ quan, đơn vị; thay thế các chai nhựa đựng nước trong các cuộc họp, buổi tập huấn, tiếp khách bằng việc sử dụng phích hoặc bình đựng nước bằng thủy tinh.
Hội phụ nữ huyện Mường Chà thu gom rác thải nhựa |
Cùng với đó là Hội tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình phụ nữ, bảo vệ môi trường; các chi hội thường xuyên tổ chức cho hội viên ra quân dọn vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải sinh hoạt, phân loại rác thải nhựa, đào hố đốt rác. Giúp hội viên hạn chế tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần, Hội LHPN huyện khuyến khích chị em mang làn nhựa, túi đan mây tre khi đi chợ.
Nhằm chủ động thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày của chị em, Hội LHPN xã Mường Mươn đã chỉ đạo các chi hội tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên. Cùng với đó, Hội thành lập mô hình “thu gom và phân loại rác thải môi trường” với 50 thành viên tham gia. Sau một thời gian hoạt động, mô hình đã phát huy hiệu quả, không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà rác thải sau khi thu gom còn được chị em phân thành từng loại để có biện pháp xử lý cho phù hợp.
Các chị em còn tập trung đào hố rác, xây dựng lò đốt rác để xử lý rác thải của các gia đình trong bản đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường... Nhờ đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn từng bước được nâng cao, góp phần hạn chế, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn.