Đến nay, trên địa tỉnh Điện Biên còn 18 giấy phép khai thác đá và 4 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực. Thời gian qua, nhu cầu vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát, sỏi và đất san lấp nhằm phục vụ các công trình dân sinh, công trình nông thôn mới và các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Điện Biên rất lớn. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác cát, sỏi tại các nhánh sông, suối ở các huyện vùng sâu, vùng xa với quy mô khai thác nhỏ, lẻ theo mùa, trữ lượng nhỏ, không thành mỏ mà phải thực hiện trình tự, thủ tục như các loại khoáng sản khác theo quy định là không khả thi.
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Theo quy định của Luật Khoáng sản, chưa có quy định riêng các trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với khai thác cát, sỏi tại các khu vực miền núi vùng sâu, vùng xa. Các tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản còn thiếu tính định lượng để làm cơ sở cho việc cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Thêm nữa, tại một số địa phương cũng chưa tạo thành điểm mỏ, lượng khoáng sản bồi tụ không thường xuyên, nên cũng không đủ điều kiện cấp phép khai thác cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn có nhiều điểm chưa được cấp giấy phép khai thác cát sỏi vì đặc thù lòng sông, suối nhỏ, hẹp, trữ lượng cát, sỏi không lớn, không hình thành mỏ. Cũng theo quy định của pháp luật, để được khai thác khoáng sản phải dựa trên cơ sở thực hiện quy định của Nhà nước như tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng, đánh giá tác động môi trường thì mới được cấp phép. Nếu áp dụng với cơ sở nhỏ lẻ khai thác 1 vụ trong thời gian ngắn, khai thác cát, sỏi mang tính tự phát, nhỏ lẻ mưu sinh của các hộ gia đình, cá nhân thì sẽ rất khó khăn và không đáp ứng được trình tự thủ tục cấp phép khai thác theo quy định.
Những năm tới, để hạn chế thất thu ngân sách Nhà nước từ khai thác cát, sỏi trái phép, tỉnh Điện Biên tiếp tục giao trách nhiệm cho UBND cấp huyện, xã chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, sẽ siết chặt quản lý và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm cụ thể.
Đồng thời, để tiếp tục quản lý tốt việc cấp phép và khai thác khoáng sản, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra việc khai thác theo đúng các nội dung được quy định tại giấy phép, tránh tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép khai thác... và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động khai thác tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tập trung tuyên truyền cho người dân hiểu rõ khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật và ảnh hưởng lớn đến môi trường.