Điện Biên: Hiệu quả giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hoàng Châu| 28/04/2022 09:16

(TN&MT) - Trong thời gian qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, từng bước thay đổi nhận thức của nhân dân về vai trò và tác dụng của rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR rừng là 4.608 chủ rừng, trong đó: 8 chủ rừng là tổ chức; 37 chủ rừng là UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng; 1.035 chủ rừng là cộng đồng và 3.528 chủ rừng là hộ gia đình.

Việc triển khai thực hiện chính sách DVMTR đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thực tế, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị các tổ chức, cá nhân xâm phạm. Theo đó, số vụ vi phạm về Luật Lâm nghiệp giảm theo từng năm; ý thức, vai trò, trách nhiệm bảo vệ, phát triển rừng của cộng đồng dân cư các thôn được nâng lên; huy động được nguồn lực lớn, thường xuyên cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

a1.jpg

Chính sách chi trả DVMTR đã và đang khẳng định hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Điều đáng nói, việc áp dụng chính sách DVMTR trong thực tế đã góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh thông qua hình thức giao đất, giao rừng của Nhà nước và nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng từ các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Trung Trường, phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông cho biết: Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông có trên 30.800 ha rừng nằm trong quy hoạch và 660 ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Trong năm qua, tổng diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của huyện Điện Biên Đông là 30.204,345 ha với số tiền được chi trả là 7.792.783.160 đồng. Hàng năm, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) đã chủ động phối hợp với hạt kiểm lâm tổng hợp kết quả rà soát diện tích rừng có cung ứng DVMTR của các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình làm cơ sở phân bổ tiền DVMTR cho chủ rừng, hộ nhận khoán. Cùng với đó, rà soát và làm việc với các cơ sở sử dụng DVMTR.

a2.jpg

Người dân huyện Điện Biên Đông phát dọn thực bì trên diện tích rừng được giao khoán chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả DVMTR đã làm thay đổi nhận thức của bà con về bảo vệ rừng cộng đồng trên địa bàn huyện được nâng lên. Đồng thời, giúp bà con tăng thêm nguồn thu nhập từ DVMTR, qua đó tạo động lực để bà con gắn bó, bảo vệ rừng, qua đó nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ diện tích rừng tái sinh. Từ nguồn tiền DVMTR nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cổng chào thôn, nhà văn hóa, sân thể thao, kênh mương thủy lợi, đường điện chiếu sáng… qua đó, hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy, từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, việc bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phá rừng, cháy rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đã cơ bản giảm. Cùng với đó, môi trường rừng từng bước được cải thiện, tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Hiệu quả giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO