Điện Biên: Doanh nghiệp "kêu" thuế khoáng sản quá cao

24/04/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 16/6/2014, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND, kèm theo bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi khi Quyết định 12 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành đến nay đã gặp phải không ít ý kiến phản ứng của có một số doanh nghiệp khai thác khoáng trên địa bàn, bởi mức thuế quá cao.

Doanh nghiệp kêu... trời vì tỉnh áp thuế quá cao

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh (gọi tắt là Cty Hoàng Anh), là một trong những công ty có mỏ khai thác đá vôi để làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Điện Biên, với trữ lượng lớn. Ông Trần Đăng Ninh, Tổng giám đốc công ty này cho biết: Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên, trong đó có liên quan trực tiếp đến việc cấp quyền khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Ka Hâu II, xã Na Ư, huyện Điện Biên là chưa đúng và quá cao. Mỗi lần nộp tiền thuế (cộng gộp 2 năm), chúng tôi phải nộp hơn 2,3 tỷ đồng. Đây là một khoản tiền phí cấp quyền khai thác khoáng sản "quá sức" với Công ty. Trong khi đó, lương công nhân tăng, vật liệu nổ tăng, mọi chi phí đều tăng. Bên cạnh đó, giá vật liệu xây dựng không tăng nhiều và sản phẩm của Công ty là gạch không nung làm bằng bột đá cũng chưa thể chiếm lĩnh thị trường bởi văn hóa tiêu dùng; còn rất nhiều công trình xây dựng trên địa bàn sử dụng gạch làm bằng đất xét.

Mỏ đá của Cty Hoàng Anh
Mỏ đá của Cty Hoàng Anh

Theo bảng tính giá thuế tài nguyên của UBND tỉnh Điện Biên thì hiện nay, mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường là sản phẩm đá hộc với đơn giá 130.000đ/m3 nhân với hệ số nở rời 1,5. Theo bảng tính này, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đối với các loại vật liệu xây dựng thông thường sẽ phải nộp 195.000đ/m3. Trong khi đó, tại tỉnh Sơn La được áp dụng tại thời điểm tháng 1/2016, hệ số nở rời tối thiểu là 1,2 và tối đa là 1,4 (áp theo chất lượng địa chất từng  mỏ). Và tại tỉnh Lào Cai hệ số nở rời được tính mức trung bình là 1,47.

Tại Công văn số 113/ĐCKS-KTĐCKS, ngày 14/1/2016 của Tổng cục Đại chất và Khoáng sản Việt Nam, trả lời phúc đáp Công văn số 778/STNMT-KS, ngày 25/12/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên thì “theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4447:2012 thì hệ số chuyển thể tích từ tự nhiên sang tơi đối với đá cứng đã nổ mìn tơi, hệ số tối thiểu là 1,45 và tối đa là 1,50 (lấy trung bình 1,475); đề nghị Quý Sở xem xét xách định hệ số chuyển đổi này cho phù hợp thực tế.”- Trích công văn số 113. Như vậy, theo cách tính này tỉnh Điện Biên đã áp hệ số nở tơi 1,5 là mức tối đa, kèm theo với việc Sở Tài chính áp giá đá hộc 13.000đ/m3 khiến các doanh nghiệp không chịu được mức thuế này.

Trên cơ sở Tờ trình số 04/TTr-STNMT, ngày 7/1/2016, về việc đề nghị phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Ka Hâu II, xã Na Ư, huyện Điện Biên của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên và Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 12/01/2016 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Ka Hâu II, xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Song, tại Bảng tính giá thuế tài nguyên của UBND tỉnh Điện Biên thì không có mục kê giá đá vôi theo trữ lượng phê duyệt để làm vật liệu xây dựng thông thường mà chỉ có đá thành phẩm là đá hộc. Với cách tính này không có sự đồng nhất giữa quyết định được phê duyệt với bảng tính giá thuế tài nguyên. Trong khi đó, để sản xuất ra một m3 đá hộc thì các doanh nghiệp đã phải chịu các phí và thuế gián tiếp như: Xăng, vật liệu nổ, lương công nhân, khấu hao máy móc... Nếu lấy đơn giá của đá thành phẩm (đá hộc) để làm cơ sở tính tiền cấp quyền khai thác đá vôi để làm vật liệu xây dựng thông thường thì nhà sản xuất đã phải chịu 2 lần thuế; thuế chồng thuế.

Ông Trần Đăng Ninh, bức xúc: Việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng là tính theo trữ lượng địa chất đã được phê duyệt là hoàn toàn đúng theo quy định của luật và giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng phải tính theo giá trữ lượng địa chất hoặc (đá xô bồ chưa qua sàng tuyển). Việc tỉnh Điện Biên đang áp và tính theo giá thuế tài nguyên của đá thành phẩm (đá hộc) là chưa thỏa đáng mà phải tính theo giá của trữ lượng được phê duyệt.

Cùng chung nỗi niềm trên, ông Cao Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc  Công ty CP Đầu tư Thương mại Hưng Long, Điện Biên chia sẻ: Công ty chúng tôi khai thác khoáng sản tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên. So với 3 tỉnh thì thuế cấp quyền khai thác khoáng sản đá vôi dùng làm vật liệu xây dựng thông thường của Điện Biên hiện đang là cao nhất. Doang nghiệp rất khó có thể trụ nổi nếu kéo dài, vì nộp chậm thuế 1 ngày doanh nghiệp sẽ bị phạt 0,05%.

Sở Tài chính chưa có câu trả lời... để rộng đường dư luận

Ngày 21/4, Phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng ký lịch làm việc và chuyển nội dung phỏng vấn Sở Tài chính Điện Biên (là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh áp giá tài nguyên trên địa bàn) để làm rõ những điểm chưa rõ ràng trong bảng tính giá tài nguyên tại địa bàn. Sau khi nhận được yêu cầu của ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính “phải chuyển công văn và nội dung phỏng vấn”, phóng viên đã thực hiện đúng yêu cầu, chuyển giấy gới thiệu kèm theo nội dung phỏng vấn và nhiều cuộc gọi, tin nhắn hẹn gặp. Song với lý do rất chính đáng mà ông Trung đưa ra, đến nay phóng viên vẫn chưa tiếp cận được thông tin từ Sở Tài chính. Cũng phải nói rõ hơn; Sở Tài chính là đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh.

Bà Đặng Thị Hồng Loan, Phó trưởng Phòng khoáng sản, nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên) cho biết:  Hiện nay, chúng tôi đang trưng cầu ý kiến các sở, ngành. Thậm chí cả phía Tổng cục Đại chất và Khoáng sản Việt Nam để xem xét điều chỉnh cho phù hợp đối với việc tính cấp quyền khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường.

Thiết nghĩ, doanh nghiệp nào đầu tư cũng mong có lãi. Chính quyền nào cũng mong các doanh nghiệp làm ăn có lãi nộp thuế Nhà nước đầy đủ và tái sản xuất, đầu tư. Song làm thế nào để một chính sách ban hành vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp mà không là áp lực đối với các nhà đầu tư thì UBND tỉnh Điện Biên cũng như các đơn vị sở, ngành tham mưu cho chính quyền cần phải bàn bạc, cân nhắc.

Khi ấy, các doanh nghiệp không phải tìm kẻ hở trong luật để trốn thuế hay nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng không phải mất quá nhiều thời gian để đi giải quyết ngững việc "hiển nhiên nó phải thế" mà dành nhiều thời gian để chăm lo đời sống người dân, hướng đến định hướng phát triển kinh tế địa phương ngang hàng với khu vực. Việc tưởng dễ nhưng không hẳn là khó nếu những người ngồi trên ghế trách nhiệm ngồi lại với nhau gỡ khó thay chỉ vì biết kêu khó và biết đặt mình vào phía doanh nghiệp và chính quyền để sẻ chia.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này.

                                                                                                        Bài & ảnh: Trần Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Doanh nghiệp "kêu" thuế khoáng sản quá cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO