Điện Biên: Chủ động với nguy cơ lũ quét sạt lở đất
(TN&MT) - Thời điểm này, vùng cao Điện Biên đang vào mùa mưa. Những ngày qua, sau cái nắng đỉnh điểm đến khô hạn, thì cuối tháng 6, những cơn mưa lớn xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh, với lượng mưa ở mức cao, đã và đang tiềm ẩn nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cho nhiều địa phương. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp độ 1.
Sáng 27/6, trên thông số rađa của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên đã xác định được nhiều vùng mây gây mưa, mưa rào và dông lớn cho khu vực các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ. Vùng mây này đang tiếp tục phát triển mạnh và mở rộng gây mưa rào và dông, có nơi mưa to, rất to và dông lan sang nhiều địa phương lân cận như huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay. Trong cơn dông tiềm ẩn lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trước đó, trong 2 ngày (24 – 25/6), lượng mưa trong các giờ liên tiếp tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Điện Biên đo được ở mức cao, như: trạm Khí tượng Tuần Giáo 58mm, Pha Đin 49mm; điểm đo mưa tự động Mường Thín 77mm, Nà Sáy 71mm, Mường Mùn 68mm, Ảng Nưa 62mm, Hua Thanh 41mm. Dự kiến nhiều giờ tiếp theo sẽ vẫn duy trì lượng mưa phổ biến từ 20 - 30mm/6 giờ, có nơi trên 50mm/6 giờ; cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ xảy ra tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên.
Đặc biệt, nguy cơ lũ quét, sạt lở có thể gây sụt, sạt trên các tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Trước vấn đề này, ông Trần Thanh Kiên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Điện Biên có buổi trao đổi nhanh với phóng viên Báo TN&MT, ông Kiên cho biết: “Điện Biên với đặc thù tỉnh miền núi, có đường giao thông liên xã, liên tỉnh dài, lại chạy trên nền địa chất yếu, nếu sụt, sạt xảy ra thời điểm này, thì nguy cơ ách tắc giao thông cục bộ là rất cao, đặc biệt là trên tuyến giao thông đi các huyện: Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé. Hiện nay chúng tôi đã tính toán và dự đoán 2 tuyến đường có nguy cơ sạt lở cao là tuyến của xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) và Mường Luân (huyện Điện Biên Đông). Theo đó, đơn vị chúng tôi đang túc trực máy móc, nhân lực ở các vị trí này để đảm bảo khi xảy ra sự cố sẽ kịp thời khắc phục”.
Thời điểm này, trên các tuyến liên xã, liên huyện trong tỉnh đang có mật độ giao thông đi lại nhiều, bởi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023, các học sinh từ các xã di chuyển xuống trung tâm huyện, từ khu vực lân cận về trung tâm TP. Điện Biên Phủ để dự thi tương đối đông đảo, vì vậy, trước nguy cơ sụt, sạt đường giao thông, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động các phương án đối phó với thiên tai, lũ quét, sụt sạt; chuẩn bị tối đa máy móc, nhân lực túc trực tại các vị trí xung yếu trên đường giao thông, sẵn sàng hỗ trợ giao thông nếu có sụt sạt trên đường, đảm bảo cho các thí sinh không bị nhỡ giờ trong kì thi Tốt nghiệp THPT sắp tới.
Cũng theo dự báo, tình trạng mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng… tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt tại các huyện diễn ra mưa lớn như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tuần Giáo và Điện Biên Đông.
Nắm được diễn biến thời tiết bất lợi, trong ngày 27/6, Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN huyện Nậm Pồ đã yêu cầu các xã trong huyện khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ chia sẻ: Những năm trước, huyện Nậm Pồ liên tiếp xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; phải di dời nhiều gia đình, làm hư hỏng các công trình như điểm trường học, thủy lợi, giao thông. Các con số thiệt hại có xu hướng gia tăng qua mỗi năm. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Bên cạnh việc đôn đốc tiến độ, giám sát chất lượng các công trình đảm bảo an toàn khu dân cư, chúng tôi cũng đưa ra các phương án kịp thời ứng phó với thiên tai trong mùa mưa lũ. Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN các cấp luôn kích hoạt 24/24h theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó cũng như khắc phục hậu quả.
Thời điểm này, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, để chủ động huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.