Điện Biên: Chủ động phương án ứng phó với hạn hán

Trần Sơn - Hoàng Châu| 23/12/2019 13:23

(TN&MT) - Năm 2019, do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài đã gây nên tình trạng hạn hán, hàng trăm hecta lúa ruộng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đứng trước nguy cơ thiếu nguồn nước tưới.

Tổng dung tích của 12 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn 33,64 triệu m3/60,50 triệu m3, đạt 55,6% tổng dung tích thiết kế.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, Vụ đông xuân năm 2019-2020, khả năng hạn hạn có thể xảy ra trên diện tích 400ha, lưu vực các hồ chứa nước Hồng Khếnh, Loong Luông I, Sông Ún, Nậm Ngám và diện tích lúa khu vực cuối 2 kênh Tả và Hữu của hệ thống Đại thủy nông Nậm Rốm, thuộc các xã Thanh Hưng, Mường Phăng, Noong Hẹt, Pom Lót, Noong Luống (huyện Điện Biên); Noong U, Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) và xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa).

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên đã có công văn số 2329/SNN-CCTL, triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ NN&PTNT về tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Ông Nguyễn Văn Duyên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Để ứng phó với tình trạng hạn hạn, đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 7.200ha lúa ruộng lưu vực 12 hồ nước mà Công ty được giao quản lý. Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động phòng, chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2019-2020.

Theo đó, Công ty tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng và dự báo thời tiết của cơ quan Khí tượng thủy văn để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra; rà soát, cập nhật, cân đối nguồn nước; tiếp tục kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, phù hợp với khả năng nguồn nước, trong đó ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra.

Khô hạn có khả năng kéo dài và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm.

Cùng với đó, tiếp tục kiểm kê, đánh giá, theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước ở các sông suối, hồ chứa, đạp dâng, đầm ao. Riêng các hồ chứa nước phải được đánh giá trữ lượng cụ thể của từng hồ, chống rò rỉ, thẩm thấu qua các cửa van, cửa cống lấy nước. Hàng tháng có báo cáo trữ lượng nước và khả năng tưới của công trình về cơ quan chuyên môn.

Căn cứ vào nguồn nước của từng công trình và kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2019 - 2020, xây dựng lịch tưới cho từng cánh đồng hợp lý. Ưu tiên tưới những diện tích ở xa trước, gần sau; huy động nhân dân nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm tốt công tác thủy lợi nội đồng đảm bảo đưa nước đến mặt ruộng. Đối với lúa, áp ụng giải pháp tưới đổ ải tháo cạn để gieo vãi, thực hiện tưới tiết kiệm. Đối với cây công nghiệp, thực hiện biện pháp giữ ẩm phù hợp tập quán từng địa phương.

Theo thông tin của Trung tâm khí tượng thủy văn, dự báo khả năng ENSO ở trạng thái trung tính nhưng vẫn nghiêng về pha nóng từ nay đến những tháng đầu năm 2020. Mùa khô đã bắt đầu ngay từ đầu tháng 9/2019, sớm hơn quy luật. Tổng lượng mưa từ tháng 11/2019 – 3/2020, dự báo từ 20-40mm/tháng. Trong những tháng mùa đông có thể xuất hiện một số đợt mưa rào khi có gió mùa Đông Bắc. Tháng 4/2020, tổng lượng mưa khu vực tỉnh Điện Biên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-25%. Khô hạn khả năng kéo dài và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần đề phòng cháy nổ, tích nước và sử dụng hợp lý nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Chủ động phương án ứng phó với hạn hán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO