Theo số liệu cũ ghi nhận lại trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra 3 trận động đất rất lớn vào các năm: Năm 1935 (6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên); Năm 1983 (6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo); Năm 2001 (5,3 độ richter tại TP.Điện Biên Phủ).
Riêng trận động đất 5,3 độ richter năm 2001 khiến tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên thiệt hại 210 tỷ đồng, phá hủy nhiều công trình công cộng của Nhà nước và nhân dân. Tuy nhiên từ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận thêm trận động đất nào có cường độ lớn hơn và đủ sức phá hủy, gây hư hại cho các công trình Nhà nước và dân sinh.
Năm 2017, tỉnh Điện Biên tiếp tục ghi nhận thêm 7 trận động đất nhưng đa phần đều yếu, cường độ từ 2,1 đến 3,9 độ richter. Địa bàn hay xảy ra động đất là các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà và thị xã Mường Lay.
Gần đây nhất vào các ngày đầu tháng Giêng năm 2018, tỉnh Điện Biên lại liên tiếp xảy ra 2 trận động đất, cường độ mạnh dần là 3,9 và 4,3 độ Richter. Độ sâu chấn tiêu 2 trận động đất khoảng 10km, tâm chấn cách nhau khoảng 15km. Với cường độ tương đối mạnh, tâm chấn gần nên người dân trên địa bàn TP.Điện Biên Phủ và các huyện lân cận đều cảm nhận rất rõ sự rung lắc nhà cửa và đồ đạc. Nhưng may mắn, dư chấn của nó đã không đủ mạnh gây hư hại đến các công trình xây dựng, tài sản và tính mạng nhân dân.
Lý giải về việc tỉnh Điện Biên thường hay xảy ra động đất, ông Nguyễn Thái Sơn, Trạm trưởng Trạm Quan sát động đất TP. Điện Biên Phủ (Viện Vật lý địa cầu) cho biết: Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 2 vết đứt gãy địa chấn lớn là đứt gãy Lai Châu - Điện Biên khoảng vài trăm km thường xuyên hoạt động và đứt gãy thứ 2 là Sông Mã (Sơn La) - Tuần Giáo (Điện Biên) - Lai Châu. Do vậy các năm trở lại đây và những năm về trước, trên 2 vết đứt gãy này thường xuyên hoạt động sinh ra các chấn động, dư chấn ở mức độ vừa phải và yếu.
Một lý do khác nữa là khu vực Tây Bắc, nhất là tỉnh Điện Biên - Lai Châu là khu vực hoạt động địa chất mạnh nhất trên lãnh thổ Việt Nam; vì vậy 100 năm trở lại đây, các trận động đất lớn chủ yếu xảy ra trên vùng Tây Bắc.
Thêm nữa là chính tại khu vực Tây Bắc có 3 thủy điện lớn nhất cả nước là: Thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La và thủy điện Lai Châu, khi các nhà máy thủy điện này thực hiện tích nước lòng hồ đã gây ra các trận động đất kích thích, dư chấn đến vùng Điện Biên. Nhưng những trận động đất kích thích thường không lớn, chỉ từ 4,7 – 4,9 độ Richter và không đủ sức gây ảnh hưởng, hư hại đến người và tài sản của nhân dân.
Tuy nhiên, là địa phương nằm trong vùng hay chịu ảnh hưởng, dư chấn động đất nên về lâu dài và để đảm bảo tuổi thọ cho các công trình xây dựng cần thiết phải áp dụng quy tắc thiết kế kháng chấn động đất, giảm thiểu thiệt hại. Trao đổi vấn đề này với Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Điện Biên, ông Nguyễn Thành Phong, cho biết: Kể từ sau khi trận động đất lịch sử xảy ra năm 2001, với cường độ 5,3 richter, gây ra nhiều thiệt hại cho các công trình xây dựng của Nhà nước và nhân dân đã có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với ngành xây dựng tỉnh khi đó. Bộ Xây dựng đã kịp thời có giải pháp giúp tỉnh sửa chữa, khắc phục các công trình bị hư hại. Đồng thời, Bộ sớm hoàn thiện bộ nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn về động đất, kháng chấn động đất cho các công trình xây dựng và ban hành, áp dụng rộng rãi.
Hiện nay trong lĩnh vực xây dựng, tỉnh Điện Biên đặc biệt nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng đến nội dung kháng chấn động đất cho các công trình, dự án đầu tư, đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ gia đình thi công xây dựng công trình chú ý đến nội dung thiết kế kháng chấn, cấu tạo xây dựng khung sàn, giằng bê tông cốt thép nguyên khối kháng chấn chịu áp lực dư chấn của các trận động đất.