Điện Biên: Cần xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước bề mặt

09/11/2018 10:48

(TN&MT) - Hiện nay, trên địa bàn các huyện của tỉnh Điện Biên, nhiều thôn bản vùng cao đang đối diện nguy cơ thiếu nước; tình trạng một số giếng nước, một số điểm nước mặt tại các khu dân cư tập trung đang có dấu hiệu gia tăng nhẹ một số chỉ tiêu ô nhiễm so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do quá trình khai thác và sử dụng nguồn nước ngầm không hợp lý, đồng thời do ảnh hưởng bởi các chất thải phát sinh từ khu dân cư, khu vực chăn nuôi khiến nguồn nước bề mặt, nước sinh hoạt của tỉnh Điện Biên đang có dấu hiệu suy giảm…

Điện Biên nằm ở thượng nguồn của 3 hệ thống lưu vực sông, gồm: sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Nguồn nước trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nước sông, suối, ao, hồ, trong khi đó lượng mưa trung bình mỗi năm khoảng 1.500 – 2.000mm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 18 hồ chứa nước, trong đó hồ Pa Khoang là hồ chứa nước lớn nhất với diện tích 6km2.
 

1. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt

Được biết, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng 750 công trình khai thác nước tập trung phục vụ nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho gần 256 nghìn người, chiếm 60,62% tổng dân số nông thôn toàn tỉnh. Trong đó có 9 công trình cấp nước sạch gồm: Nhà máy cung cấp nước sạch cho thành phố Điện Biên phủ, thị trấn Tuần Giáo, Tủa chùa, Mường Ẳng, Mường Nhé, Mường Chà, Điện Biên Đông, huyện Điện Biên và thị xã Mường Lay. Ngoài ra, có khoảng 800 công trình thủy điện lớn nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Sở TN&MT Điện Biên đã tiến hành lấy mẫu phân tích với 51 mẫu nước mặt và 40 mẫu nước ngầm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kết quả phân tích các chỉ tiêu về môi trường nước đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ngầm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều thôn bản vùng cao vẫn đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã tự đào, khoan giếng bổ sung thêm nguồn nước ngầm để phục vụ trong sinh hoạt, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, sử dụng nguồn nước không hợp lý và gây thất thoát, lãng phí nguồn nước. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất của người dân, cùng với việc khai thác khoáng sản đất, cát…; xây dựng công trình thủy điện đã và đang ảnh hướng đến dòng chảy và chất lượng nước.Mặc dù tài nguyên nước ở Điện Biên có trữ lượng khá dồi dào nhưng nguồn nước có thể dùng được ngay hay sẵn dùng là hữu hạn, vì phân bố không đồng đều trong mùa cũng như từng khu vực.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, tại một số địa phương đã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nước tưới tiêu nông nghiệp do tình trạng xuống cấp một số công trình thủy lợi, hoạt động khai thác nguồn nước trên các con sông chính. Theo ước tính của Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, khoảng 37% lượng nước bị mất đi do lãng phí mà nguyên nhân một phần do hệ thống tưới tiêu xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp hư hỏng; thêm vào đó mỗi ngành trên mỗi lưu vực sông đều tự đặt cho mình mục tiêu khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước theo cách riêng nên dẫn đến tình trạng một số điểm của lưu vực sông gần khu dân cư bị ô nhiễm cục bộ.
 

2. Để tăng cường quản lý tài nguyên nước, Điện Biên cần xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước mặt chính, quan trọng trên địa bàn tỉnh.
Để tăng cường quản lý tài nguyên nước, Điện Biên cần xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước mặt chính, quan trọng trên địa bàn tỉnh

Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Điện Biên cho biết: Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ban nghành liên quan tiến hành củng cố và tăng cường xây dựng đập, hồ chứa nước dự trữ cho mùa khô; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích sử dụng; quan tâm chú trọng tới quản lý tài nguyên nguyên nước, phân công phân cấp quản lý tài nguyên nước rõ ràng.

Trong thời gian qua, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên cấp 5 giấy phép, trong đó có 3 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt và 1 Quyết định phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho Công ty CP cấp nước sạch Điện Biên.

Sở TN&MT tỉnh Điện Biên hiện đang xây dựng đề cương nhiệm vụ “Xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước mặt chính, quan trọng trên địa bàn tỉnh” và phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra giải pháp trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, phấn đấu nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh Điện Biên từ nay đến năm 2020.

Để công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước bàn tỉnh có hiệu quả, Sở TN&MT Điện Biên tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước, đặc biệt là ảnh hưởng của việc khai thác, sử dụng nước; xả thải chưa qua xử lý tới nguồn nước. Rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dịch cụ có hoạt động khai thác, sử dụng nước xả nước thải vào nguồn nước thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước và thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dướt đất trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác quản lý về tài nguyên nước. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Cần xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước bề mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO