Nhờ tổ thu gom rác thải, giờ đây đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã Gia Phù luôn được giữ sạch sẽ |
Hiệu quả từ mô hình tự quản thu gom rác thải
Chúng tôi đến với Gia Phù, đúng giờ những nhân viên Tổ thu gom rác thải của xã đang tiến hành thu gom rác. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng và chế biến nấm Mường Tấc, đơn vị quản lý Tổ thu gom rác cho biết: Khi triển khai xây dựng NTM, xác định tiêu chí môi trường là 1 trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, chính quyền xã đã phối hợp với HTX để thành lập Tổ thu gom rác thải xã Gia Phù từ năm 2013, gồm 5 thành viên là con em xã viên, nhằm xử lý vấn đề rác thải nông thôn trên địa bàn xã.
“Trước đây, do tập quán, người dân vứt rác thải lung tung. Cứ khu vực cầu, suối, ven đường, các ngã ba, tiện đâu người dân xả rác ra đấy. Đến khi chúng tôi tổ chức thu gom, nhiều hộ dân ở xa cũng không muốn ủng hộ. Chúng tôi phải mang xe đẩy đến từng hộ gia đình để thu gom rác. Rồi nghe phải đóng kinh phí thu gom nên suốt năm đầu tiên, gần như chúng tôi làm không công. Sau này, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức người dân được nâng cao, cộng với được sự hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải của huyện nên cũng đỡ hơn. Người dân cũng đã có ý thức gom rác thải lại một vị trí, thuận tiện cho ô tô thu gom chở đi” – ông Nguyễn Hồng Phúc chia sẻ.
Hiện nay, lượng rác thải trung bình trên địa bàn xã Gia Phù khoảng 2 tấn/ngày, được thu gom 2 ngày/lần. Rác thải sau khi được thu gom, sẽ được chở về xử lý tại bãi rác thị trấn Phù Yên. Mức phí thu tùy từng đối tượng, hiện là 5.000 đồng/tháng/hộ với hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, 10.000 đồng/tháng với hộ dân ngoài mặt đường. Hộ kinh doanh, doanh nghiệp 25.000 đồng/tháng. Các cơ quan, đơn vị 100.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, việc vận chuyển rác còn nhiều hạn chế, chưa có xe chuyên dụng, do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp. |
Chị Đinh Thị Xứng, 1 trong 5 thành viên Tổ thu gom rác ngay từ những ngày mới thành lập, chia sẻ: Khi mới bắt đầu tiến hành thu gom rác thì khá vất vả, vì ý thức người dân chưa cao, vẫn quen đâu vứt rác đấy. Giờ thì đỡ nhiều rồi. Trong quá trình thu gom, chúng tôi cũng kết hợp tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi cũng mới tiến hành thu gom được 9/15 bản, phố của xã Gia Phù, trung bình từ 2km đổ lại. Một số bản ở xa tới 7km thì vẫn chưa thực hiện được. Rồi mùa mưa đến, cả đất đá mưa lũ, phế thải xây dựng người dân cũng giao cho chúng tôi thu gom nên cũng hơi khó khăn. Hay những ngày nghỉ lễ, lượng rác thải phát sinh nhiều nên cũng không được nghỉ, có khi còn phải tăng chuyến mới thu gom hết rác.
Bên cạnh đó, lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đồng lương của những công nhân thu gom rác vẫn còn thấp. “Năm đầu tiên, lương của công nhân thu gom chỉ được 800.000 đồng/tháng, rồi lên 1,2 triệu, mãi gần đây mới lên mức 2-2,5 triệu/tháng. Cộng thêm, tỷ lệ thu gom rác mới chỉ đạt 80-90%. Để tăng tỷ lệ thu gom, tăng lương cho công nhân, thì làm thế nào để có kinh phí hoạt động, chứ giờ vẫn chủ yếu dựa vào dân thì rất khó” – ông Nguyễn Hồng Phúc băn khoăn.
Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường
Xã Gia Phù có 15 bản, phố, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mường. Trong đó 12 bản trực tiếp sản xuất nông nghiệp, 3 phố chủ yếu buôn bán tiểu thương, phát triển ngành nghề và dịch vụ.
Với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vẫn còn tính trông chờ, ỷ lại, một số hộ dân còn tập quán thâm canh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn chuyển biến chậm, còn mang tính tự cung tự cấp, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, khi triển khai xây dựng NTM, xã gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đinh Xuân Yệt, Chủ tịch UBND xã Gia Phù cho biết: Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất, ngay khi bắt tay công cuộc xây dựng NTM, xã đã tổ chức họp các ngành, đoàn thể, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cho phù hợp. Đồng thời, phối hợp HTX Mường Tấc thành lập Tổ thu gom rác thải. Sau 4 năm, hoạt động thu gom đã đi vào nề nếp.
Đến với Gia Phù hôm nay, có thể cảm nhận rõ nét bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống nhân dân ngày càng cao. Những con đường đổ bê tông thẳng tắp nối từ trung tâm xã tới các thôn, bản. Đường ngõ xóm sạch sẽ, không còn lầy lội vào mùa mưa. Các bản, phố duy trì phong trào quét dọn đường làng ngõ xóm mỗi tháng 1 lần.
Đặc biệt, 100% dân số đã được sử dụng nước sạch. Không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Trên 70% số hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo 3 sạch. 90% số hộ gia đình thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, ngõ xóm, ngõ cổng, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, nằm cách biệt với nhà ở. Chất thải chăn nuôi được thu gom, xử lý, không xả, chảy tràn trên mặt đất, gây ô nhiễm nguồn nước.
Tuy nhiên, do việc thu gom vẫn chỉ tập trung tại khu vực trung tâm, những bản xa vẫn chưa được thu gom rác đến nơi xử lý, chủ yếu vẫn là tự thu gom, hoặc còn vứt rác chưa đúng nơi quy định nên chỉ tiêu này chưa đạt. Năm 2016, xã đã phấn đấu hoàn thành tiêu chí 17, nhưng đành lỗi hẹn.
Năm 2017, quyết tâm hoàn thành tiêu chí môi trường, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Gia Phù đã xây dựng lộ trình, kế hoạch, giải pháp và biện pháp thực hiện cụ thể. “Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời, triển khai tới các ngành đoàn thể, xuống từng hộ gia đình hướng dẫn người dân thu gom, xử lý rác thải đúng quy định. Bên cạnh đó, kết quả giám sát chương trình hợp vệ sinh “3 chuồng 4 hố” tới quý 1/2017 đã đạt 75%, từ mức 34% năm 2014. Ý thức thu gom, xử lý rác ngày càng được nâng cao. Tiêu chí môi trường khẳng định sẽ hoàn thành trong năm nay” – ông Đinh Xuân Yệt nhấn mạnh.
Nguyễn Nga