“Điểm nóng” ô nhiễm cảng cá Thọ Quang sẽ trở thành điểm du lịch vào 2025
Hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã dành nhiều nguồn lực với những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện ô nhiễm môi trường tại "điểm nóng" Âu thuyền, cảng cá Thọ Quang hướng đến mục tiêu đưa nơi này thành điểm du lịch vào năm 2025.
Môi trường được cải thiện
Theo ông Võ Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Đà Nẵng) cho biết, Âu thuyền Thọ Quang điểm nóng môi trường từ năm 2010. Để xóa bỏ "điểm nóng" ô nhiễm môi trường khu vực này, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp tập trung vào 4 nhóm gồm truyền thông, quản lý, kỹ thuật và quan trắc giao trách nhiệm cho từng Sở, ngành, đơn vị.
Sau hơn 10 năm thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường từ thu gom rác, nâng cao nhận thức người dân, phát hiện xử phạt hành vi xả rác… đến nay tại đây đã hình thành chuỗi vận hành thu gom rác, hoàn thành đấu nối nước thải, quan trắc môi trường nước mặt, không khí. Nhận thức của người dân được nâng cao.
Trong năm 2020- 2022, BQL Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã thu gom được 55,89 m3 rác thủy sản và hơn 4.877 m3 rác sinh hoạt từ các tàu, thuyền cập cảng, neo đậu chuyển giao cho Công ty Môi trường đô thị xử lý. Đặc biệt, mô hình “Đổi rác lấy quà” đã tạo sự chuyển biến trong hành động của ngư dân. Trong 6 tháng năm 2022, BQL đã thu được gần 1 tấn rác do ngư dân giao nộp, trong đó chủ yếu là rác thải nhựa.
Bên cạnh việc nâng cao ý thức cho ngư dân bằng các hoạt động tuyên truyền,các cơ quan, đơn vị đã triển khai hoàn thành đồng bộ gói thầu số 9, 10, 11, 12 (146,846 tỷ đồng) với các hạng mục nâng cấp, cải tạo cảng cá và chợ cá, xây dựng các mương, cống thoát nước, xây dựng thêm hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu vực cảng và chợ cá công suất 300m3/ngày đêm. Thành phố cũng đã phê duyệt và triển khai Dự án đầu tư Nạo vét âu thuyền Thọ Quang với tổng vốn đầu tư 99,7 tỷ đồng.
Song song, công tác tuần tra, xử phạt cũng được các đơn vị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Sở TN&MT, Thanh tra giao thông, UBND quận Sơn Trà quyết liệt thực hiện. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã tuần tra, kiểm tra phát hiện 221 trường hợp vi phạm về môi trường, xử phạt với số tiền hơn 628 triệu đồng.
Vẫn còn rất gian nan
Dù đã đạt những kết quả bước đầu nhưng với mức độ ô nhiễm diễn ra trong một thời gian dài trước đây cộng với áp lực về khả năng đáp ứng của hoạt động đánh bắt, vận chuyển của ngư dân, neo đậu của tàu thuyền và kinh doanh của tiểu thương, các nhiệm vụ để xóa bỏ “điểm nóng” âu thuyền Thọ Quang vẫn còn rất gian nan.
Cụ thể như tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn diễn ra do dự án nạo vét âu thuyền bị kéo dài, chưa đạt được yêu cầu ban đầu; tình trạng người dân tập kết hàng, buôn bán trên bờ kè âu thuyền, xe đậu đỗ nhận hàng chưa đúng nơi quy định, khu vực cổng ra của chợ cá còn tình trạng rơi rớt nước thải gây mùi hôi, hạ tầng thoát nước chợ cá một số vị trí xuống cấp; tàu thuyền neo đậu ở Âu thuyền chủ yếu là tàu ngoại tỉnh nên việc yêu cầu người dân ở các địa phương khác đưa rác lên bờ, không xả rác… mất nhiều thời gian.
Trước thực tế trên, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Đà Nẵng đề xuất, UBND thành phố cần giao Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp trồng khẩn trương hoàn thành việc đấu nối vào tuyến ống thu gom mới để bàn giao cho công ty quản lý, giám sát, đồng thời tiếp tục tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng tuyến ống mới đoạn từ Công ty Danifood về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà.
Thành phố cũng cần tăng cường giám sát, đôn đốc, yêu cầu đơn vị quản lý, thi công các gói thầu nâng cấp, cải tạo cảng cá thực hiện đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ, nghiệm thu, bàn giao đúng theo hợp đồng và quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cần khẩn trương triển khai dự án nạo vét âu thuyền đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu. Công an thành phố cũng cần khẩn trương lắp đặt 1 đến 2 camera chuyên dụng với độ nét cao và phạm vi quan sát rộng đảm bảo thực hiện kết hợp các mục tiêu giám sát xả thải, phòng cháy chữa cháy.
Đồn Biên phòng quận Sơn Trà đề nghị, cần có quy định kiểm tra 100% các tàu và chỉ cho xuất bến khi có đủ các điều kiện hoàn thành cam kết thực hiện các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường khi ra vào, neo đậu tại âu thuyền và có giấy xác nhận đổ rác do Ban Quản lý Âu thuyền cấp. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm để nâng cao nhận thức cho người toàn bộ người dân khi đến âu thuyền.
Theo ông Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở TN&MT từ một điểm nóng ô nhiễm môi trường đến nay môi trường ở cảng cá Thọ Quang dần dần được cải thiện và sắp tới sẽ trở thành điểm đến xanh – sạch – đẹp để có thể kết hợp với du lịch, phát triển kinh tế của thành phố. Cho đến hiện tại tuy đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc thu gom nguồn nước thải, vệ sinh môi trường, xử lý rác, mùi hôi bề mặt âu thuyền và nâng cao nhận thức người dân, nhưng để đạt kỳ vọng đưa ra thì khối lượng công việc, nhiệm vụ đang rất lớn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, quyết tâm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.