Tình hình sạt lở bờ sông hiện đang diễn biến phức tạp; trong đó, tập trung chủ yếu tại hai huyện là Đầm Dơi và Năm Căn.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Đầm Dơi đã xảy ra 10 vụ sạt lở đất với chiều dài hơn 300 m, làm thiệt hại 7 căn nhà, ước thiệt hại 646 triệu đồng.
Trong khi đó, tại huyện Năm Căn xảy ra 13 vụ sạt lở đất với chiều dài gần 300 m, làm thiệt hại 30 căn nhà, ước thiệt hại 712 triệu đồng.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất danh mục các dự án ưu tiên thực hiện để xử lý cấp bách tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của địa phương; trong đó, có 4 dự án khẩn cấp với tổng mức đầu tư 615 tỷ đồng.
Cà Mau có khoảng 254 km đường bờ biển và trải dài ở cả ba mặt tiếp giáp.
Liên tiếp những năm qua, Cà Mau là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bởi tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng; trong đó, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển bị xâm thực đang có những diễn biến rất phức tạp, khó lường…
Thống kê của Chi cục thuỷ lợi tỉnh Cà Mau cho thấy, từ năm 2007 đến nay, diện tích rừng ven biển của địa phương đã bị mất khoảng 8.870 ha.
Do đó, Cà Mau luôn đứng trước nguy cơ đê biển Tây có thể bị vỡ bất cứ lúc nào, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đe dọa tính mạng, tài sản của hàng trăm ngàn hộ dân vùng ven biển.
Theo tính toán, Cà Mau hiện cần phải đầu tư xây dựng khu tái định cư để di dời khẩn cấp cho 651 hộ với 2.610 nhân khẩu tại các khu vực cửa biển như: Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời), Vàm Xoáy và Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) vào nơi an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau hiện có 27 vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 38.000 m; trong đó, có 8 vị trí xung yếu với chiều dài gần 5.000 m.
Theo ước tính, có khoảng 1.047 hộ dân sinh sống trong khu vực xung yếu cần phải sớm được di dời nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.