Để không còn ám ảnh ngập lụt

Ngọc Lý| 08/09/2020 10:41

(TN&MT) - Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, con người đang rơi vào tình trạng nguy hiểm của biến đổi khí hậu do chính mình gây ra. Một trong những thủ phạm là việc khai thác tài nguyên vô độ cùng sự phát triển thái quá của các đô thị.

Gần 50 ngày sau trận lụt lịch sử ở Hà Giang (ngày 21/7), cơn mưa lớn kéo dài sáng qua (7/9), đã khiến nhiều khu vực tại TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chìm trong biển nước.

Các tuyến đường đi vào Trung tâm thành phố đều có điểm ngập sâu. Nhiều khu phố, tuyến đường cũng tạm thời bị cắt điện để đảm bảo an toàn.

Theo người dân địa phương, từ nhiều năm nay, cứ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài chừng 1 giờ đồng hồ, nhiều tuyến đường tại TP. Thái Nguyên bị chia cắt do úng ngập.

Do đâu mà ngày càng nhiều đô thị vùng cao phải chịu thảm cảnh úng ngập như vậy?! Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ là, do qui hoạch hạ tầng đô thị không tương xứng với việc phát triển xây dựng các khu đô thị. Nhiều nơi, quy hoạch các khu đô thị manh mún đã phá vỡ tổng thể quy hoạch chung, thậm chí là nguyên nhân chính gây lên tình trạng ngập lụt.

Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây lên tình cảnh ngập lụt ở các đô thị miền núi là do tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn tràn lan, “cạo trắng” rừng để lấy đất canh tác, làm thủy điện. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng tần suất các đợt lũ quét. Mà trường hợp ở Hà Giang, Thái Nguyên vừa qua là những minh chứng.

Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Nhìn chung, tiến trình đô thị hóa trong hai thập kỷ qua đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt, mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.

Nhìn rộng hơn, có thể nói, đô thị Việt Nam trong mấy thập kỷ vừa qua, như một cú rùng mình của nhu cầu cơ bản nhất: Kiếm sống. Đô thị hóa, theo đó trở thành một cuộc làm ăn lớn, cuồng nhiệt với những con số GDP công nghiệp, GDP dịch vụ, GDP đầu người... Không chỉ với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương… mà còn len lỏi, xâm lấn đến các đô thị khác như: Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Đà Lạt… tất cả, quay quả kiến tạo và phân phối các cơ hội đó nhưng lại theo một cách khác: Cả nước râm ran dự án, san ủi đồi núi, triệt hạ những cánh rừng…

Khắp nơi bùng nổ đầu tư, từ khu công nghiệp đến căn hộ cao cấp, bùng nổ xây dựng cầu đường, cảng biển. Bùng nổ làn sóng trở thành “đại gia”. Bùng nổ trào lưu “đổi đất lấy hạ tầng”, bùng nổ đền bù giải tỏa, bùng nổ ngân sách địa phương. Cũng theo đó, bùng nổ tham nhũng, khiếu kiện, tội phạm, chênh lệch giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, ách tắc, tai nạn giao thông, quá tải bệnh viện…

Chính trong sự xoay vần ấy, những giá trị của một đô thị đáng sống đã bị bỏ qua.

Nhưng, mọi lời kêu gọi, mọi kiến nghị nếu không xuất phát từ mục tiêu chung mà chỉ nhăm nhăm vào những lợi ích cá nhân, cục bộ, tất sẽ không thể giải quyết được những mâu thuẫn giữa lợi ích riêng và quyền lợi chung.

Tất cả những điều đó, với các đô thị kiểu như Thái Nguyên, Hà Giang cũng có thể coi là một bài học mà bây giờ, phần nào còn kịp sửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để không còn ám ảnh ngập lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO