ĐBSCL trước áp lực an ninh nguồn nước: Cần sử dụng hiệu quả nguồn “vàng trắng”

X.Hợp| 30/07/2019 09:10

(TN&MT) - Quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên nước là yêu cầu cấp thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL trong tương lai.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành được ban hành là những công cụ pháp lý hữu hiệu giúp các địa phương vùng ĐBSCL quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Thời gian qua, các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung triển khai thực hiện quy hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn mỗi tỉnh, thành.

Ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT TP. Cần Thơ) cho biết: Việc bảo vệ tài nguyên nước đã được luật hóa ở Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó, nổi bật là Nghị định 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Điều này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp các địa phương chủ động hơn trong việc sử dụng tài nguyên nước.

Bai 2 Anh 2 Tuoi tiet kiem nuoc
Biện pháp tưới tiết kiệm nước sẽ giúp nông dân giảm chi phí sảm xuất và phù hợp với sự suy kiệt nguồn nước.

Ông Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Sở TN&MT Sóc Trăng cho hay: Sở TN&MT Sóc Trăng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án như: dự án quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; dự án quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; dự án rà soát, điều tra, đánh giá, khoanh định khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

TP. Cần Thơ đang gấp rút triển khai các dự án quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả. Đồng thời, công tác cấp phép khai thác nước mặt, nước ngầm và xả thải vào nguồn tiếp nhận được TP. Cần Thơ thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân

Theo TS. Dương Văn Ni - Trường Đại học Cần Thơ, để bảo vệ thành công nguồn tài nguyên nước, điều đầu tiên là do con người hiểu sâu sắc về vấn đề nguồn nước, sẽ có những hành vi đúng đắn, Từ đó họ có thể bàn bạc, xây dựng những mô hình thành công trong quản lý tài nguyên nước. Tuy vậy, muốn đạt được điều này, công tác tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên để thay đổi ý thức của mỗi người dân trong việc chung tay cùng giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng,trước thực tế nguồn nước ngọt đang ngày càng bị suy kiệt, người dân vùng ĐBSCL phải thay đổi mô hình sản xuất cho phù hợp bằng việc tiết kiệm nước trong sản xuất. Người dân chuyển dần canh tác lúa từ 2 - 3 vụ sang những hình thức canh tác đa canh trên cả 3 vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và nước mặn, tạo giá trị lợi nhuận cao hơn, đồng thời, điều chỉnh lịch thời vụ; đẩy mạnh nghiên cứu tìm ra các giống cây con mới có thể chịu đựng được khô hạn, nhiễm mặn.

Một vấn đề hiện đang được các địa phương cũng như nhiều nhà khoa học quan tâm là, ở vùng ĐBSCL chưa có sự điều phối chung để phân phối, sử dụng tài nguyên nước một cách có hiệu quả. Điều này dẫn đến nguồn tài nguyên nước tiếp tục bị suy giảm, mâu thuẫn về nước đã nảy sinh giữa các vùng giáp ranh. Theo các chuyên gia, cần có một cách nhìn tổng thể, trong đó, toàn bộ hệ thống của vùng, gồm vùng ngập lũ, vùng phù sa giữa, vùng ven biển, kể cả sông ngòi, đất đai, hệ thống canh tác, kinh tế - xã hội phải được đối xử như một tổng thể và đặt trong một tổng thể lớn hơn là lưu vực sông Mê Công mới có chiến lược quản lý, khai thác, sử dụng hài hòa nguồn tài nguyên nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL trước áp lực an ninh nguồn nước: Cần sử dụng hiệu quả nguồn “vàng trắng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO