ĐBSCL: Cần đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước

12/05/2017 00:00

(TN&MT) - Nguồn nước mặt trên sông Tiền, sông Hậu đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu, duy trì hệ sinh thái, điều hòa khí hậu... đối với vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan quản lý, nhà khoa học, trong thời gian gần đây do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân đã làm cho chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông này bị suy giảm, có những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế- xã hội của vùng.

Nhiều nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm

Theo TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu- trường Đại học Cần Thơ, chất lượng nguồn nước mặt ở sông Tiền, sông Hậu và một số nhánh sông lớn đang bị suy giảm, nguyên nhân xuất phát từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Trong quá trình phát triển ngành nghề này, người dân đã sử dụng nhiều hóa chất, nông dược phục vụ cho đồng ruộng, ao hồ, từ đó hóa chất, nông dược còn tồn dư đã theo nước mưa, tưới tiêu chảy xuống các kênh, rạch và sông lớn gây ô nhiễm nguồn nước.

 Sông Hậu đang phải gồng mình gánh nhiều nguồn chất thải gây ô nhiễm nguồn nước phát sinh từ đô thị, khu công, cụm  nghiệp...
Sông Hậu đang phải gồng mình gánh nhiều nguồn chất thải gây ô nhiễm nguồn nước phát sinh từ đô thị, khu công, cụm nghiệp...

Bên cạnh đó, tập quán sinh sống của người dân vùng ĐBSCL là cất nhà cặp các tuyến sông, rạch, vì thế các loại rác thải, nước thải phát sinh trong sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ cũng được thải trực tiếp xuống kênh rạch. Các khu đô thị phát triển nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý nước thải đô thị lại chưa được đầu tư hoặc đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh đã kéo theo nhiều hệ lụy liên quan đến môi trường nước. Ngoài ra, ở nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã chọn vị trí xây dựng các khu, cụm công nghiệp nằm dọc các tuyến sông lớn, nước thải trong quá trình sản xuất chưa qua xử lý hoặc có xử lý, nhưng chưa đạt theo quy định cũng được thải ra sông, rạch. "Không chỉ vậy, do ảnh hưởng từ các đập thủy điện, biến đổi khí hậu, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng đồng bằng trở nên khan hiến, tình trạng khoan giếng lấy nước sử dụng không theo quy hoạch đã diễn ra tràn lan, khiến cho nguồn nước ngầm cũng bị bị ô nhiễm..."- TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu- trường Đại học Cần Thơ cho biết.

Hóa chất, nông dược phục vụ sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt.
Hóa chất, nông dược phục vụ sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt.

Tại TP. Cần Thơ, qua kết quả quan trắc nguồn nước mặt tại một số điểm trên sông Hậu thuộc địa bàn TP. Cần Thơ của cơ quan chức năng cho thấy, các chỉ tiêu Coliform, hàm lượng chất rắn lơ lửng... đang vượt nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ nhìn nhận: "Hiện nay nguồn nước mặt tại một số khu vực trên sông Hậu đang bị ô nhiễm, nguyên nhân xuất phát từ sản xuất nông nghiệp, nuôi cá bè trên sông; nguồn nước thải từ các khu, cụm công nghiệp; nước thải đô thị chưa được xử lý triệt để...từ đó làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, sản xuất... của người dân. 

Tương tự ở tỉnh Hậu Giang, do tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với việc chưa kiểm soát xử lý hết các chất thải, nên đã gây ra tình trạng chất lượng nguồn nước mặt ở nhiều khu vực của kênh Xáng Xà No, kênh Lái Hiếu, kênh Ba Láng bị suy giảm, nhiều khu vực đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những thời điểm các ngành chức năng tỉnh Hậu Giang phải đưa ra khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng nguồn nước vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như phát sinh các loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, trong năm 2016 đơn vị này đã tiến hành lấy hơn 20 mẫu nước mặt tại các tuyến kênh Xáng Xà No, kênh Ba Láng... qua kết quả phân tích thì có đến 7 điểm cho các thông số như: Coliforms, PO4, NO3, NO2, NH4… vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép... 

Phải nghiêm túc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, Nguyễn Minh Thế cho rằng, trong thời gian tới Sở sẽ nâng cao công tác quản lý đối với lĩnh vực này, đồng thời đề nghị các ngành chức năng đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp dọc tuyến sông Hậu. Ngoải ra, Sở Tài nguyên và môi trường cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có lưu lượng xả thải lớn và nguồn xả thải có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước mặt sông Hậu phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nhằm giám sát chặt chẽ lưu lượng, chất lượng nước thải.

Chất thải từ các tuyến dân cư ven sông đang ngày ngày thải trực tiếp xuống kênh rạch.
Chất thải từ các tuyến dân cư ven sông đang ngày ngày thải trực tiếp xuống kênh rạch.

Cùng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- trường Đại học Cần Thơ cho hay: "Trong thời gian qua các cơ quản quản lý, doanh nghiệp... cũng đã đầu tư các Trạm quan trắc chất lượng nguồn nước, nhưng còn ít. Do vậy, trong thời gian tới cần đầu tư hệ thống quan trắc tự động, đặc biệt là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Những dữ liệu thu thập được từ kết quả quan trắc sẽ giúp cho cơ quan nghiên cứu kịp thời đưa ra những cảnh báo cho nhà quy hoạch, quản lý về các giải pháp bảo vệ nguồn nước".

Theo TS. Lê Anh Tuấn, mặc dù đã xác định được những nguyên nhân khiến cho chất lượng nguồn nước mặt trên các sông, rạch bị ô nhiễm, nhưng chúng ta không thể chặn tất cả các nguồn gây ô nhiễm được mà việc cần làm lúc này là siết chặt lại các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án, buộc nhà đầu tư hoàn thành các hạng mục xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, khi xả nguồn thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần hạn chế phát triển các khu dân cư dọc những tuyến sông, rạch; hoàn thành hệ thống xử lý nước thải ở đô thị, khu, cụm công nghiệp; tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm nước, đối với các vùng ven biển thì cần khuyến khích người dân thu gom, dự trữ nước mưa để hạn chế khai thác nước ngầm.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- trường Đại học Cần Thơ chia sẻ: Để bảo vệ chất lượng nguồn nước trên các dòng sông vùng ĐBSCL cần nhiều cách tiếp cận, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp dài hạn và cấp vùng, không thể giải quyết đơn lẻ được. Các địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý, đồng thời đưa ra hướng sản xuất hiệu quả, giảm ảnh hưởng đến nguồn nước; phát triển đa ngành, xem xét đến nhu cầu sử dụng nước của từng ngành để có hướng phát triển.

Song song với đó là phải nghiên cứu, điều tra tổng thể về tài nguyên nước để hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền hoạch định quy hoạch, quản lý nguồn nước có tầm nhìn rộng, bao quát. "Hiện nay, các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ nguồn nước đã tương đối đầy đủ, vì vậy các địa phương phải nghiêm túc thực thi; đồng thời phải có kế hoạch ứng phó nhanh khi xảy ra sự cố về môi trường nước và kế hoạch sử lý hợp lý nhất nguồn tài nguyên nước, khai thác đúng với khải năng con sông và sử dụng nguồn nước phải thông minh, đừng lạm dụng quá mức sức chịu đựng của con sông... "-PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên- trường Đại học Cần Thơ lưu ý. 

Lê Hùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Cần đồng bộ nhiều giải pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO