Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Ảnh: Quốc Khánh |
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều thống nhất, đồng tình, nhất trí cao với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về ban hành Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Các đại biểu đều khẳng định rằng, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng lõi nghèo của cả nước thì bất kỳ chính sách nào của Đảng, Nhà nước dành cho đều là cần thiết. Các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thời gian qua đã có tác động tích cực, làm thay đổi diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Vùng có 5 “Nhất” còn nhiều khó khăn
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) |
Phát biểu thảo luận tại cuộc họp, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) chỉ ra rằng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả to lớn trên các lĩnh vực, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt, niềm tin của đồng bào nhân dân các dân tộc vào đường lối lãnh đạo đổi mới của Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Khối đại đoàn kết các dân tộc được chăm lo, xây dựng vững chắc.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhưng hiện nay theo đại biểu Tống Thanh Bình thì vẫn phải khẳng định cùng nhau rằng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là lõi nghèo của cả nước, là vùng có 5 nhất như các đại biểu đã nêu, cụ thể:
Thứ nhất là vùng có điều kiện khó khăn nhất, hiện còn hơn 12.900 hộ di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, trên 58.000 hộ thiếu đất ở, trên 465.000 hộ cần hỗ trợ nhà ở, trên 300.000 hộ thiếu đất sản xuất và nước sinh hoạt.
Thứ hai là vùng có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, với hơn 21% người trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt, có thể cho là mù chữ; Thứ ba là vùng có kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất.
Thứ tư là vùng có tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, mức độ tiếp cận dịch vụ y tế còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ được cấp thẻ bảo hiểm y tế cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh thấp, tỷ lệ sinh con tại gia đình rất cao (trên 26%). Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên 32%.
Thứ năm là vùng có tỷ lệ người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo cao nhất chiếm trên 55% tổng số hộ nghèo cả nước, đặc biệt hiện còn 9 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 90%. Một số hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội, tội phạm buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy, buôn bán người qua biên giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Chia sẻ về vùng có nhiều “nhất”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết “Các vị đại biểu Quốc hội đếm có mấy nhất, nhưng tôi thấy còn thiếu một điểm nữa. Đây là vùng được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều nhất, với nhiều chính sách nhất.”
Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan, các ĐBQH cùng “hiến kế” để tập trung nguồn lực để phát triển vùng lắm “Nhất”.
Xem xét vấn đề "đầu tư giao đất không thu tiền"
Nhận định về phần khó khăn nhất là về đất đai để định canh, định cư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng: Về chính sách, dự án, mục tiêu đặt ra hỗ trợ 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Hiện nay có 68,5 hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất để sản xuất. Chúng tôi nhận thấy đây là vấn đề bức thiết, then chốt, quan trọng nhất, là tiền đề, nền tảng tất yếu để hoàn thành các mục tiêu. Chính vì vậy, chính sách này tôi đề nghị xem xét bỏ từ "hỗ trợ", thay vào đó là "đầu tư giao đất không thu tiền".
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) |
Đồng thời, quy định không được sang nhượng khi sửa đổi Luật Đất đai tại đây, không quy hoạch, phê duyệt các dự án thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định cư.
Có cơ chế góp vốn, hưởng lợi bằng giá trị đất vào các doanh nghiệp để đồng bào không mất đất, kiên quyết thu hồi đất của các nông, lâm trường, các doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, các dự án chuyển đổi mục đích, sai mục đích, ôm diện tích đất lớn chờ thời sang nhượng, trong khi nhiều hộ đồng bào thiếu đất là rất phản cảm, bất hợp lý.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi đất để trồng rừng, tái sinh phục hồi rừng, dân sống bằng nghề rừng yên tâm định canh, định cư, bảo vệ biên cương, giữ nước, chứa nước, bảo vệ an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh năng lượng chính là kinh tế, chính là phát triển bền vững cho đất nước đúng như mục tiêu đề án đưa ra.
Thứ ba, theo đại biểu Đinh Duy Vượt, điểm đột phá của đề án này đã xác định tổng vốn tạm tính là 334.421 tỷ đồng trình Quốc hội quyết định. Đây là vấn đề cốt lõi, quyết định thành công đề án. “Tuy nhiên, để nguồn vốn khả thi, đúng, sát cần phải rà soát lại, xác định cụ thể danh mục dự án, quy mô đầu tư các dự án có liên quan, đồng thời phân cấp mạnh cho địa phương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.” – ông Vượt nhấn mạnh.
Chính phủ xây dựng, ban hành tiêu chí để làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét xây dựng, ban hành tiêu chí để phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xác định cụ thể xã, thôn đặc biệt khó khăn làm cơ sở cho việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, cơ sở để quy định cụ thể tiêu chí phân bổ nguồn lực, tránh cào bằng, đảm bảo phù hợp với từng vùng, địa bàn khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, rà soát lại các tiêu chí, mục tiêu đã đề ra của đề án cho đảm bảo chính xác, phù hợp với tình hình thực tế.
Đại biểu lấy ví dụ mục tiêu của Đề án đưa ra là đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020, đến năm 2030 tăng gấp 2,5 lần năm 2026 là rất cao, rất khó khả thi. Tỷ lệ che phủ rừng đề án đưa ra đến năm 2025 duy trì ở mức 42% là thấp, vì tính đến năm 2018 tỷ lệ che phủ rừng của cả nước bình quân đã đạt 41,65%, đặc biệt nhiều tỉnh miền núi có tỷ lệ che phủ rất cao trên 50%, do vậy đề nghị cần rà soát lại cho đảm bảo tính phù hợp, chính xác.
Tiếp theo là rà soát, xem xét đối với 8 dự án của đề án, do có nhiều nội dung có sự trùng lặp, khó khăn cho công tác chỉ đạo thực hiện khi chính sách được ban hành. Qua đó sửa đổi, bổ sung và tích hợp hệ thống các chính sách đã và đang thực hiện thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thực hiện trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó chú trọng ban hành các tiêu chí đánh giá, phân loại chất lượng rừng, đảm bảo nguồn lực tài chính, nâng mức hỗ trợ tương ứng cho khoanh nuôi, bảo vệ và chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhằm tạo động lực, khuyến khích người dân tích cực bảo vệ, phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo. Đảm bảo rừng được coi là một nghề thực sự và người dân sống được bằng nghề rừng.
Xây dựng, ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho giáo dục đào tạo trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy càng ở đơn vị cấp cao thì tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số càng thấp, nhiều bộ, ngành trung ương có thể nói là không có cán bộ người dân tộc thiểu số.
Đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện rà soát nguồn lực đã bố trí thực hiện các chương trình chính sách dân tộc tính đến thời điểm kết thúc năm 2020, đảm bảo không nợ chính sách, nội dung này xin được thể hiện trong nghị quyết. Đồng thời xác định rõ nguồn lực được bố trí của đề án, vì dự kiến nguồn lực thực hiện đề án là khá lớn, tránh tình trạng chính sách được ban hành không bố trí được nguồn lực thực hiện hoặc khi bố trí được nguồn lực rồi việc hấp thụ nguồn lực không đảm bảo.
Thực hiện thu gọn đầu mối quản lý thống nhất trong theo dõi và thực hiện các chính sách dân tộc từ trung ương đến địa phương, đảm bảo tính hệ thống, chất lượng và trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị được giao quản lý và thực hiện nhiệm vụ.
Xây dựng các giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) |
Đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, Cùng với chiến lược phát triển kinh tế, cần phải có những giải pháp bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bền vững. Khi văn hóa dân tộc được bảo tồn sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy văn hóa phát triển nhanh chóng, tạo ra những giá trị văn hóa mới tốt đẹp trong cộng đồng người dân tộc và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Để thay đổi nhận thức, phong cách, lối sống đó, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, soạn thảo các chương trình học cho người dân tộc thiểu số và đưa môn học tiếng dân tộc thành một trong những môn học bắt buộc của học sinh dân tộc thiểu số.
Điều này xuất phát từ thực tế những em học sinh dân tộc thiểu số có khả năng thường được đi học theo chế độ cử tuyển, các em tách khỏi môi trường của dân tộc mình có nguy cơ mai một tiếng nói và chữ viết. Nếu cứ tiếp tục như vậy, các em sẽ không thể phát huy được những giá trị văn hóa vật chất của dân tộc mình để làm giàu cho chính quê hương, các giá trị tốt đẹp của đồng bào cũng sẽ dần mất đi.
Ưu tiên phát triển các chính sách y tế cho vùng
Đại biểu Nguyễn Thị Thảo cho rằng, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về y tế, hiện nay việc tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ người dân tộc thiểu số còn gặp rất nhiều khó khăn.
Điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế là một trong những yếu tố cản trở chính sách chăm sóc sức khỏe của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực tế, số lượng người dân tộc thiểu số sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho quá trình khám, chữa bệnh là rất ít, đặc biệt là nữ giới.
Theo báo cáo những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2017 của Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho thấy 81% phụ nữ có bảo hiểm y tế nhưng chỉ có 52% sử dụng thẻ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ chăm sóc thai sản, 45% sử dụng thẻ để sinh con tại các cơ sở y tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do các điều kiện đi lại khó khăn, khả năng tiếp cận các dịch vụ tại chỗ kém chất lượng, dịch vụ y tế ở các thôn, bản còn nhiều hạn chế, thiếu nguồn lực y tế như bác sĩ, điều dưỡng và trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, khả năng tiếp cận và chi trả các vụ dịch vụ y tế còn rất thấp.
Tuy nhiên, nội dung đề án chưa nêu bật được những khó khăn, hạn chế này. Mục tiêu của đề án đặt ra là tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%.
Theo đại biểu, tỷ lệ tham gia là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là tỷ lệ sử dụng thẻ bảo hiểm như thế nào, bởi lẽ nếu chỉ tham gia, tức là có thể không có điều kiện sử dụng các dịch vụ y tế thì các chế độ, chính sách ưu đãi mới chỉ dừng lại trên giấy, trên tấm thẻ mà thôi.
Hiện nay đã có những chính sách thu hút các y bác sĩ về công tác tại những vùng miền này, nhưng tỷ lệ đạt được không cao. “Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét đưa vào đề án, những chính sách cụ thể hơn nữa để ưu tiên tuyển dụng y bác sĩ vào những vùng, miền này, đặc biệt là y bác sĩ người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số ở vùng, miền đó.” – Đại biểu Nguyễn Thị Thảo phát biểu.
Quốc hội tin tưởng Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ thực hiện thành công
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận phiên thảo luận |
Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Quốc hội đã hoan nghênh việc Chính phủ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chuẩn bị đề án công phu để trình Quốc hội và có thể nói đây cũng là một trong những đề án rất khó khăn, phức tạp nhưng với sự cố gắng, nỗ lực rất cao Ủy ban Dân tộc đã chủ động và phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để chuẩn bị nhiều cuộc thảo luận và xin ý kiến. Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chúng ta tiếp tục khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã thực hiện tốt nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển. Giữa 54 dân tộc anh em nước ta không có kỳ thị, chia rẽ dân tộc, chúng ta không có xung đột dân tộc, tôn giáo. Hiện nay, đang tiếp tục thực hiện tốt Hiến pháp mới năm 2013 nên việc Quốc hội hôm nay bàn hệ thống lại quyết định các chính sách dân tộc là đúng thẩm quyền theo quy định của Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và thực sự có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc.
Qua ý kiến phát biểu của các vị đại biểu đều khẳng định các chính sách đầu tư cho vùng dân tộc miền núi với sự quan tâm đặc biệt đã có ưu tiên đầu tư phát triển. Tốc độ tăng trưởng phát triển ở khu vực này khá hơn trước, kết cấu hạ tầng như đường, điện, trường học, trạm xá, các công trình thủy lợi được đầu tư từng bước đồng bộ.
Công tác định canh, định cư luôn được gắn với hoạch định và phát triển tổ chức thực hiện chính sách kinh tế - xã hội, văn hóa.
Giữ vững sự ổn định chính trị và đặc biệt là quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Do đó, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số có bước trưởng thành rõ rệt, đoàn kết các dân tộc được giữ vững dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống và đến nay đã đạt được những thành tựu rất quan trọng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội cũng cho rằng, với tinh thần thẳng thắn, các vị đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ những tồn tại, những khó khăn, vướng mắc khi thực thi chính sách ở vùng này.
Đó là những chính sách liên quan đến việc hỗ trợ cho hộ nghèo, vì tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới ở vùng này còn cao, điều kiện canh tác, điều kiện sản xuất để ổn định cuộc sống còn khó khăn, có hộ còn thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất, một số chỉ tiêu đặt ra cho vùng này chưa đạt, các chính sách phát triển, đặc biệt là nhiều chính sách và pháp luật đã ban hành nhưng thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, còn dàn trải và cơ chế điều hành, phân công trách nhiệm thực hiện các dự án chưa chặt chẽ, phân cấp chưa rõ ràng, nhiều dịch vụ như dịch vụ y tế, giáo dục, bảo hiểm, thông tin, báo chí có mặt còn hạn chế.
Quốc hội đã nhất trí cao về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đề án tổng thể này. Quốc hội cũng nhất trí cao giao Chính phủ thực thi điều hành có hướng dẫn, chỉ rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể để cùng chăm lo cho đồng bào và vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hàng năm có báo cáo Quốc hội có sơ kết, tổng kết.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, với tấm lòng yêu dân, thương dân, có trách nhiệm với dân, Quốc hội quyết định chính sách dân tộc theo đúng Hiến pháp và tin rằng chúng ta sẽ thực hiện thành công đề án quan trọng này của quốc gia.” – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định.