ĐBQH Lê Công Đỉnh: Nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với BVMT

02/11/2016 00:00

(TN&MT) - Trả lời phỏng vấn riêng của phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường và Vietnamplus (Báo điện tử của TTXVN), ĐBQH Lê Công Đỉnh – Chủ tịch UBND TP Tân An, tỉnh Long An cho rằng muốn phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, dứt khoát phải gắn với bảo vệ môi trường

Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh - Chủ tịch UBND TP Tân An, tỉnh Long An bên hành lang Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: Việt Hùng
Đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh - Chủ tịch UBND TP Tân An, tỉnh Long An bên hành lang Quốc hội sáng 02/11. Ảnh: Việt Hùng

PV: - Trên nghị trường, ông có nói đến vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vậy ông có thể cho biết thêm về những nội dung này?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Vấn đề nông nghiệp công nghệ cao đang đặt ra hết sức cấp thiết, tôi nghĩ chỉ có một hướng duy nhất mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp phát triển và giúp cho người nông dân tăng thu nhập và phát triển bền vững.

Nếu nông nghiệp của Việt Nam không đi theo hướng này sẽ không cạnh tranh được nhất là khi Việt Nam đã gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế và cạnh tranh ngay tại trong nước.

Trên hội trường tôi đã phát biểu về quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường trong nước là ý đó, bây giờ thế giới phẳng thì các sản phẩm của chúng ta bị cạnh tranh ngay trên sân nhà nên điều đó rất quan trọng.

Nhưng quan trọng hơn là cần phải nêu vai trò trung tâm của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta thấy người nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ trong khi chúng ta đang thúc đẩy liên kết thành các tổ hợp tác xã thì phải cần vai trò của doanh nghiệp công nghệ cao, ở đây họ sẽ quyết định quy trình sản xuất, canh tác và hướng dẫn người nông dân về kỹ thuật để có đầu vào và đầu ra tiêu thụ nông sản.

PV: - Các địa phương vừa qua đã thực hiện liên kết vùng nhằm tiêu thụ sản phẩm của nhau, vậy ông đánh giá thế nào về mô hình này với thực tế của Long An?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Chủ trương liên kết vùng đã có lâu rồi nhưng thực tế liên kết vùng tại một số tỉnh đã thực hiện trên giấy tờ là chính, còn việc triển khai bây giờ rất cần có hạ tầng để các tỉnh có thể liên kết với nhau.

Vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc liên kết tiểu vùng tại một số tỉnh Đồng Tháp Mười như Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp là mô hình rất thiết thực, cụ thể là liên kết về hạ tầng, liên kết về chuỗi tiêu thụ sản phẩm nhất là nông sản. Việc này tỉnh cũng kiến nghị là cần thúc đẩy với vai trò và sự vào cuộc của các Bộ, ngành Trung ương trong việc huy động vốn, đầu tư các công trình mang tính chất kết nối giữa các tỉnh.

PV: - Vừa qua có câu chuyện nông dân "tự bơi" với các sản phẩm của mình?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Tôi có nói vấn đề này, việc nông dân "tự bơi" nếu như chúng ta không liên kết tổ chức lại sản xuất thì nông dân sẽ phải tự bơi và ở đây vai trò của nhà nước rất quan trọng, cần có tuyên truyền về điều kiện hội nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo điều kiện thúc đẩy cho doanh nghiệp trong việc hướng nông dân thoát khỏi tập quán canh tác nhỏ lẻ, tự phát và chỉ có liên kết thì mới hiệu quả, cũng như nâng cao được giá trị và chất lượng nông sản trên diện tích canh tác của mình.

PV: - Thưa ông còn vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, việc tiếp cận vốn thế nào?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Có 3 nguồn vốn chính, ngoài ngân sách Nhà nước tập trung cho hạ tầng và hỗ trợ ban đầu cho các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì cần thúc đẩy nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra là vốn tín dụng làm sao có chính sách để người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao.

PV: - Việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần thích ứng thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Đồng Bằng Sông Cửu Long như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Rất cần các công trình để chống xâm nhập mặn, vừa qua tỉnh Long An đã xây dựng những cống chống xâm nhập mặn cho các tỉnh Long An và Tiền Giang cũng như một số tỉnh phía trong. Tôi nghĩ vấn đề cần có vai trò của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để điều hành chung và đầu tư đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả các công trình này.

ĐBQH Lê Công Đỉnh trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT. Ảnh: Xuân Quảng
ĐBQH Lê Công Đỉnh trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT sáng 02/11. Ảnh: Xuân Quảng

PV: - Rõ ràng nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với bảo vệ môi trường ngay từ đầu, ông có thể nói cụ thể hơn vấn đề này?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Vấn đề nông nghiệp công nghệ cao phải xuất phát từ nông nghiệp hữu cơ (nông nghiệp sạch), tức là các quy trình sản xuất phải gắn chặt với bảo vệ môi trường, đây là tiêu chí bắt buộc với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như quy trình VietGap hoặc GlobalGap.

Phải tuyên truyền cho người dân hiểu được các tiêu chí đó để họ thực hiện, ở Long An thì tỉnh làm theo hướng mô hình mẫu để nông dân thấy được hiệu quả rõ ràng và làm theo, chứ không thể tuyên truyền nói miệng.

PV: - Hiện nhiều nông dân trồng các sản phẩm nông nghiệp theo các mô hình sạch như VietGap... nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn, vậy theo ông để áp dụng thành công mô hình nông nghiệp công nghệ cao như ông nói thì cần những vấn đề gì?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Đúng vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, điều mà người nông dân quan tâm là khi người ta sản xuất theo mô hình VietGap nhưng khi bán ra thì giá các sản phẩm này không có chênh lệch lớn so với các sản phẩm không sản xuất theo quy trình trong khi chi phí để làm theo mô hình VietGap rất cao làm cho người nông dân nản và không tái đầu tư.

Tôi có đề xuất trong giai đoạn hiện nay nền nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu rất quyết liệt nhưng vẫn phải có thời gian. Bản thân tôi cũng có đề xuất chúng ta phải phân loại thị trường và hướng người nông dân vào các phân khúc cụ thể.

Ví dụ như, để bán vào siêu thị phải có tiêu chuẩn nào, bán cho tổng hàng thì tiêu chuẩn nào và bán cho các chợ truyền thống cũng vậy, tất cả phải đáp ứng yêu cầu về An toàn vệ sinh thực phẩm.

Phải phân loại thị trường để hướng người nông dân sản xuất, chứ không phải nơi nào cũng áp dụng mô hình VietGap hay Global Gap thì nguồn lực sẽ không đủ, điều này rất quan trọng đối với nhà nước và doanh nghiệp, chắc chắn người nông dân sẽ không làm được.

PV: - Liên kết vùng vừa qua đã hỗ trợ được đầu ra cho nông dân chưa thưa ông?

Đại biểu Lê Công Đỉnh: Chưa, mới chỉ triển khai bước đầu thôi, mới đặt ra vấn đề và đây là vấn đề khó, chính sách cho nông nghiệp nông thôn rất nhiều, nhưng để có một nhà điều hành rất quan trọng để sâu chuỗi lại cho đồng bộ và hiệu quả.

PV: -Xin trân trọng cảm ơn ông!

Việt Hùng - Quang Hỏi (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Lê Công Đỉnh: Nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với BVMT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO