ĐBQH: Không phải chờ có đơn của người bị oan sai mới xin lỗi công khai

31/05/2017 00:00

(TN&MT) - Thảo luận ở hội trường sáng 31/5 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), hầu hết các Đại biểu Quốc hội đều cho rằng đây là một chế định quan trọng rất dân chủ và tiến bộ nhưng cũng phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo sáng 31/5. Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo về dự án Luật này sáng 31/5. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, đã có 26 vị đại biểu thảo luận và tranh luận về dự án luật này. Nhiều đại biểu cho rằng: Trước khi bồi thường về vật chất, nhà nước cần xin lỗi công khai; Không phải chờ có đơn của người bị oan sai mới xin lỗi công khai; hoặc: Người bị thiệt hại chết, người thừa kế cũng có quyền đòi bồi thường…

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi một số ý kiến của các vị đại biểu để bạn đọc theo dõi.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn tỉnh Bắc Kạn: TRƯỚC KHI BỒI THƯỜNG VỀ VẬT CHẤT, NHÀ NƯỚC CẦN XIN LỖI CÔNG KHAI

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn tỉnh Bắc Kạn
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy - Đoàn tỉnh Bắc Kạn

Chúng ta phải thấy được tính chất rất nghiêm khắc của các biện pháp tố tụng hình sự, nếu các biện pháp này được áp dụng thì sẽ phát huy tác dụng trong việc phát hiện tội phạm, nhưng nếu các biện pháp này áp dụng sai thì hậu quả nó để lại cho người bị oan là rất nghiêm trọng.

Ví dụ, về biện pháp bắt người được quy định tại Điều 113 Bộ luật tố tụng hình sự. Nếu như việc bắt người được tiến hành tại nơi người đó cư trú thì phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền sở tại và hàng xóm láng giềng.

Nếu như việc bắt người được tiến hành tại nơi người đó làm việc thì phải có sự chứng kiến của đại diện cơ quan, tổ chức, nơi người đó công tác và sau khi bắt xong thì các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn phải tiến hành các thao tác sau: một là khám người, hai là còng tay, ba là áp giải đi.

Như vậy, sau khi đã trải qua tất cả các việc bị bắt, bị khám người, bị còng tay dẫn đi trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, đồng nghiệp, vợ con mà sau này được xác định là oan lại phải có đơn yêu cầu của nhà nước phục hồi danh dự thì chúng tôi cho rằng cũng hết sức phải cân nhắc.

Qua theo dõi công tác tư pháp, chúng tôi cũng rất chia sẻ về khó khăn của các ngành tố tụng, bởi vì cùng với quá trình chuẩn bị tội phạm thì kẻ phạm tội cũng chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc che giấu tội phạm.

Tuy nhiên, có một vấn để ở đây là đã có một vụ án oan xảy ra, đã có một người vô tội bị đưa vào vòng tố tụng. Do đó, hơn ai hết, trước khi mong nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong muốn được nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ để cho họ được trở thành người bình thường trong xã hội và để cho họ không phải chịu những ánh mắt canh chừng của xã hội...

Chúng tôi suy nghĩ, một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây ra oan đứng ở vòng ngoài và điều này cũng rất phù hợp với cách làm làm hành chính hiện nay.

Ví dụ, như có một dự án đầu tư sai sẽ truy lại từng khâu: khâu tham mưu, khâu thẩm định, khâu phê duyệt khâu nào làm sai đến đâu thì phải chịu trách nhiệm đến đó mà không chỉ dồn trách nhiệm cho khâu phê duyệt cuối cùng.

Tư pháp là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sinh mệnh chính trị của con người, chúng tôi cho rằng càng phải quán triệt chặt chẽ nguyên tắc này. Thay vì quy định mang tính nguyên tắc như dự thảo, đề nghị quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố kết luận điều tra có tội truy tố bị cáo ra tòa xét xử tuyên người đó có tội mà sau này được xác định là oan thì tất cả những người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước.

Cuối cùng là xây dựng một nền tư pháp có trách nhiệm là chúng ta phải xác định đầy đủ từ khâu tố tụng, từ đó sẽ phát huy trách nhiệm của toàn hệ thống tư pháp và đây cũng sẽ chính là biện pháp tốt để phòng ngừa oan sai từ sớm.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn tỉnh Bến Tre: KHÔNG PHẢI CHỜ CÓ ĐƠN CỦA NGƯỜI OAN SAI THÌ MỚI XIN LỖI CÔNG KHAI

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn tỉnh Bến Tre
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn tỉnh Bến Tre

Về trách nhiệm bồi hoàn của cán bộ, công chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại. Tôi thấy điều này phải công bằng, với người dân  khi ta xác định họ có trách nhiệm bồi thường bất kỳ khoản gì cho nhà nước cũng chưa cần thiết phải bàn đến chuyện người ta giàu hay nghèo, vấn đề quan trọng là phải xác định rõ trách nhiệm.

Vậy, công chức cũng vậy, cần phải xác định rõ trách nhiệm, còn việc bồi hoàn bao nhiêu thì phụ thuộc vào vấn đề thương lượng được quy định ở Điều 46. Tại Điều 64 cũng có quy định cần phải có những quy định cân nhắc đến hoàn cảnh của cán bộ, công chức bồi hoàn.

Như vậy, chúng ta đảm bảo sự công bằng với người dân nên chúng ta cũng không nên phàn nàn về vấn đề này. Người dân không phàn nàn mà chúng ta lại đi phàn nàn thì tôi cho là không công bằng.

Tôi cũng không đồng tình với một số ý kiến và báo cáo của Ủy ban Pháp luật trình Quốc hội về việc cần phải có đơn của người oan sai thì chúng ta mới xin lỗi công khai. Chỗ này tôi đồng tình với đại biểu Thủy ở Bắc Kạn.

Chúng ta đang xây dựng một nhà nước văn minh, một nhà nước văn minh phải là một nhà nước lịch sự, bất kỳ ai phạm lỗi với 1 cá nhân nào đó người ta còn phải xin lỗi trước, thậm chí chưa cần phải nói rằng anh phải xin lỗi tôi người ta đã phải xin lỗi, văn minh thì phải có lịch sự nên nhà nước chúng ta phải lịch sự.

Không phải tất cả người dân đều hiểu được quyền của mình, chúng ta quy định dân có rất nhiều quyền nhưng không phải ai cũng có thể hiểu được, đặc biệt là những người có trình độ văn hóa thấp, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tôi cho rằng trường hợp này chúng ta phải hết sức công bằng với người dân.

Trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta có thể chưa đến nơi đến chốn, chúng ta đã nhận lỗi trước dân là phổ biến giáo dục pháp luật của chúng ta còn yếu kém, vậy tại sao chúng ta lại bắt người dân phải hiểu được hết quyền của mình. Chúng ta đang xây dựng một nhà nước phục vụ, một nhà nước phục vụ thì không cần thiết phải để người dân xin mình thì mới phục vụ, nhà nước phải tự mình đi phục vụ. Tôi nhất trí là nhà nước cần phải thực hiện nghĩa vụ này một cách chủ động hơn là bắt buộc người dân phải đi đòi hỏi.

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang - Đoàn tỉnh Bình Phước: CẦN CỤ THỂ HƠN VỀ THỜI GIAN THƯƠNG LƯỢNG BỒI THƯỜNG

ĐBQH Điểu Huỳnh Sang - Đoàn tỉnh Bình Phước
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang - Đoàn tỉnh Bình Phước

Theo quy định pháp luật, ai vi phạm người đó bị xử lý, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm. Hậu quả của việc cơ quan nào làm sai, trách nhiệm bồi thường thuộc về nhà nước.

Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật cần phải quy định cụ thể và xác định rõ giữa trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống và hơn nữa đây còn là một uy tín cũng như danh dự của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Về nguyên tắc bồi thường của nhà nước tại Khoản 2, Điều 4 quy định nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường và tôi đồng tình với quy định là việc bồi thường nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó.

Việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn. Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn. Chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.

Qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại, tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan, cò kè thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường.

Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng, có thể đây là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, cũng như dễ lạm dụng trong quá trình bồi thường. Nếu chỉ quy định việc thương lượng theo nguyên tắc trên cũng khó thực hiện cũng như tính thực thi của luật không cao.

Do vậy, tôi đề nghị cần có quy định cũng như giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lương bồi thường trong quá trình bồi thường để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của nhà nước và công dân.

ĐBQH Đinh Thị Hồng Minh - Đoàn tỉnh Quảng Ngãi: NGƯỜI BỊ THIỆT HẠI CHẾT - NGƯỜI THỪA KẾ CŨNG CÓ QUYỀN ĐÒI BỒI THƯỜNG

ĐBQH Đinh Thị Hồng Minh - Đoàn tỉnh Quảng Ngãi
ĐBQH Đinh Thị Hồng Minh - Đoàn Quảng Ngãi

Thứ nhất, về quyền yêu cầu bồi thường tại Điều 5, Khoản 2 dự thảo có quy định người thừa kế của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại chết và trường hợp tổ chức chấm dứt tồn tại thì tổ chức kế thừa quyền nghĩa vụ của tổ chức đó có quyền yêu cầu bồi thường.

Đối với vấn đề này tôi đề nghị bổ sung trong trường hợp tổ chức chấm dứt tồn tại thì cá nhân kế thừa quyền nghĩa vụ của tổ chức đó hoặc người kế thừa của họ có quyền yêu cầu bồi thường để bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tiễn tố tụng.

Như trường hợp qua các cấp xét xử thì tòa án ra bản án tuyên bố là công ty không phạm tội và sau đó công ty này không chuyển qua loại hình doanh nghiệp khác mà đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải thể hoặc đề nghị tòa án tuyên bố phá sản, trong trường hợp này nên quy định cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của công ty hoặc nếu cá nhân kế thừa đó chết thì người thừa kế của họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Do vậy, tôi cũng đề nghị chỉnh lý Khoản 2 lại như sau: Người thừa kế của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại chết, trường hợp tổ chức chấm dứt tồn tại thì tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức đó hoặc người thừa kế của họ có quyền yêu cầu bồi thường.

Về quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 47, Khoản 1 có quy định: Ngay sau khi có biên bản kết quả thương lượng thành, cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trao quyết định đó cho người yêu cầu bồi thường tại buổi thương lượng.

Tôi đề nghị bổ sung quy định về thời hạn ra quyết định sau khi có biên bản kết quả thương lượng và mình có thể quy định: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành, cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường và trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định bồi thường thì phải trao quyết định đó cho người yêu cầu bồi thường để đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện một cách khách quan và thống nhất…

Việt Hùng(lược ghi). Ảnh: quochoi.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Không phải chờ có đơn của người bị oan sai mới xin lỗi công khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO