Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sản xuất dựa trên hệ sinh thái ở miền Tây

Hùng Long| 26/05/2020 06:45

(TN&MT) - Đây là bước ngoặt có tính đột phá Nghị quyết 120/NQ-CP đã đề ra, các nhà khoa học xuất thân, gắn bó, tâm huyết đang kỳ vọng như một giải pháp cho miền Tây vượt thoát, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Nước mặn đã lui khỏi vàm Trà Ban (TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) - vị trí trung tâm miền Tây hơn 21km về phía tỉnh Kiên Giang

 

Kỳ 1: Nghịch cảnh

Giao thoa mặn - ngọt quy luật lâu đời

Nghịch cảnh khi xâm nhập mặn bỗng trở thành nỗi sợ hãi ở miền Tây trong khi vùng đồng bằng 40.000km2 này đã hình thành từ quá trình bồi lắng trầm tích trong quy luật giao thoa giữa sông Mekong với biển Thái Bình Dương từ hàng ngàn năm qua. Cả 3 mặt đất liền đều giáp biển, với hơn 732km bờ biển trải dài từ Đông sang Tây và trong số 13 tỉnh, thành, thì có 8 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) gắn liền với biển.

Từ bao đời nay nước biển có độ mặn của muối (trung bình từ 30g - 33g/L, tức là 33%o) vẫn luôn theo triều vào ra các cửa lớn nhỏ liên thông với hệ thống sông ngòi chằng chịt trong nội vùng. Phần lớn diện tích đất liền (7 tỉnh) tiếp giáp biển phía bờ Đông, được tương tác theo chế độ Bán Nhật triều không đều, biên độ của triều trung bình 1,2 đến 1,7m, chỉ riêng tỉnh Kiên Giang và một phần tỉnh Cà Mau tiếp giáp với biển phía bờ Tây, tương tác theo chế độ Nhật triều không đều và rất yếu, biên độ trung bình 0,3 đến 0,5m.

Các dữ liệu khoa học đã ghi nhận trong sự tương tác ấy, nước mặn xâm nhập vào nội vùng đến từ biển Đông lớn gấp 3 lần biển Tây, tần suất từ phía biển Đông cũng gấp 2 lần biển Tây và nước mặn vào sâu đến đâu chủ yếu phụ thuộc vào địa hình, chế độ thủy văn tại vùng cửa sông, tương tác giữa dòng nước ngọt của sông đổ ra và thủy triều tiến vào. Vì nước biển có muối, tỷ trọng nặng hơn thì ở dưới, nước ngọt nhẹ hơn thì ở trên, những vùng nhiễm mặn độ mặn tăng dần từ bề mặt xuống đáy sông. Cả miền Tây, đặc biệt là 8 tỉnh ven biển hệ sinh thái vốn đã hình thành nhờ sự cân bằng của nước mặn - lợ - ngọt. Sát bờ biển có nước mặn (hàm lượng muối trên 10g/L), kế đó là nước lợ (hàm lượng muối từ 1g – dưới 10g/L) và sâu hơn nữa thì có nước ngọt (hàm lượng muối dưới 1g/L).

“Trong suốt tiến trình lịch sử hình thành và phát triển vùng ĐBSCL, các mối liên kết dòng chảy sông ngòi - phù sa - rừng ngập mặn và động lực biển có những mối tương tác chặt chẽ và không thể tách rời nhau để kiến tạo một hệ sinh thái ven biển độc đáo và trù phú. Phù sa và các chất dinh dưỡng của dòng chảy sông Cửu Long đổ ra biển, được sóng biển giữ lại hình thành nền tảng của đất, các cây rừng như mắm, đước, bần, dừa nước làm nhiệm vụ giữ đất, tôn tạo đất và tạo ra môi trường sống cho hàng ngàn các loài sinh vật có nơi trú ẩn, cung cấp chuỗi thức ăn, sinh trưởng và sinh sản,... Hàng trăm năm nay, sự liên kết này khá chặt chẽ và bển vững giúp đồng bằng cao dần và mở rộng dần ra biển” - Tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, khẳng định.

Mùa mưa, khi nước sông thượng nguồn đổ về nhiều sẽ đẩy ngăn chặn không cho nước biển vào sâu, mùa kiệt nước sông thượng nguồn đổ về ít, nước biển mặn sẽ tiến vào nội vùng đất liền, có khi vào tới giữa miền Tây. Cụ thể, tại vàm Trà Ban (thuộc phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), gần Lung Ngọc Hoàng - nơi khởi nguồn của dòng sông Cái, hơn 30 năm trước cư dân đã mưu sinh thân thiện, ổn định với môi trường sinh thái nước lợ.

Nhiều diện tích đất phía trong hệ thống đê ven biển bán đảo Cà Mau hiệu quả canh tác rất thấp do sự giao thoa mặn - ngọt bị tác động, gây đảo lộn hệ sinh thái

Đã có sự đảo ngược

Giờ thì vàm Trà Ban không còn nước lợ, nước mặn đã bị đẩy lùi hơn 21km ra khỏi địa bàn Long Mỹ về phía biển Tây thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang bởi các công trình thủy lợi khơi nguồn sông Hậu tăng cường cho sông Cái và hệ thống đê đập, cống ngăn mặn khép kín. Theo đó, việc sản xuất nông nghiệp tại vùng ruột miền Tây đã thay đổi hoàn toàn từ hệ sinh thái nước lợ sang nước ngọt.

Sự thay đổi về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi từ sản xuất nông nghiệp hệ sinh thái nước lợ, nước mặn, sang sản xuất nông nghiệp nước ngọt đã diễn ra kể từ trung tâm lan dần ra ven biển khắp miền Tây. Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng, nguyên Phó Chánh Văn phòng Phát triển bền vững quốc gia, từ năm 1986 Bộ NN&PTNT đã chọn cho ĐBSCL nền nông nghiệp nước ngọt bằng việc xây dựng hệ thống các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt, bịt cửa các sông con và kênh, rạch nên buộc người dân các tỉnh có “mặt tiền” là biển phải thực hiện nông nghiệp nước ngọt.

Ghi nhận của Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Trường Đại học Cần Thơ, trong cải tạo thủy lợi, ĐBSCL được chia thành 4 vùng, 22 tiểu vùng và 120 khu thủy lợi. Bốn vùng chính thuộc hệ thống thuỷ lợi là Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, giữa sông Tiền và Hậu và tả sông Tiền, có tất cả 45 công trình thủy lợi, hầu hết là kênh đào và đê mục đích giảm thiểu lũ lụt và ngăn mặn, nhằm bảo đảm cho việc trồng lúa. Trong đó, hệ thống công trình kiểm soát mặn và ngọt hóa được xây dựng từ kinh phí Trung ương và tín dụng của Ngân hàng Thế giới, hàng loạt dự án ngọt hóa, bao gồm: Gò Công (38.000ha), Nam Măng Thít (267.000ha), Quản Lộ Phụng Hiệp (350.000ha), Ba Lai (133.875ha) đã được triển khai, khoảng 450km đê biển, 1.290km kênh chính và 7.000km kênh cấp 3-4 có các hệ thống cống, đã được xây dựng.

Một nhà vườn ở xã Long Thới, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cưa vườn chôm chôm chết làm củi, do bị nhiễm mặn đang diễn ra gay gắt

Xâm nhập mặn trở thành vấn nạn

Cũng theo ghi nhận của Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, từ kết quả nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, tại các địa phương ven biển: từ khi phát triển hệ thống công trình ngăn mặn và ngọt hóa, nông dân thay thế canh tác 1 vụ lúa mùa hoặc 1 vụ cao sản trung mùa thành 2 vụ lúa cao sản ngắn ngày. Tuy nhiên, thâm canh lúa cao sản ngắn ngày ở vùng này phải trả giá vấn đề môi trường và kinh tế. Trong vận hành hệ thống công trình gây ra thiếu nước ngọt cho sản xuất trong mùa khô, xì phèn, năng suất lúa và nguồn lợi tôm cá tự nhiên giảm, làm ảnh hưởng không chỉ nông dân mà còn hộ nghèo sống nhờ vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Xảy ra mâu thuẫn trong chuyển đổi sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của bộ phận dân cư sống trong vùng như hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp. Ảnh hưởng đến giao thông thủy; hiệu quả ngăn mặn xâm nhập vào vùng ngọt hóa thấp; nhiều kênh rạch bị bồi lắng. Ngăn chặn sự lưu thông của dòng chảy, nguồn nước bị ô nhiễm, điển hình là sông Ba Lai ở Bến Tre.

Các dữ liệu khoa học cũng đã phản ánh chi tiết trong quá trình cải tạo thủy lợi phục vụ thâm canh lúa ngắn ngày, 1,2 triệu ha vùng trũng, vào mùa nước nổi độ ngập sâu khoảng 1,5m của 2 hồ điều hòa (Tứ Giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười) ở đầu nguồn miền Tây đã không còn chức năng tích trữ khoảng 16 tỉ khối nước đề điều tiết vào mùa kiệt nên tình trạng thiếu nước ngọt ở vùng giữa và vùng ven biển trầm trọng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước ngầm cho sản xuất nông nghiệp ven biển gia tăng làm tăng khai thác nước ngầm ở vùng ven biển mặc dù nhà nước không cho phép khai thác nước ngầm tầng sâu để sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế vẫn xảy ra, tổng lượng nước ngầm có thể khai thác được ước tính khoảng 25 tỷ m3/năm chủ yếu từ địa tầng Holocene and Pleistocene.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng, khẳng định việc áp đặt sản xuất nông nghiệp nước ngọt trên nền hệ sinh thái mặn, nước lợ đã đẩy nông dân vào tình cảnh làm ăn phi pháp, lén lút và dẫn đến nhiều nơi nước ngọt ngầm cũng đã cạn kiệt. Nước ngầm lại là một cấu phần bẩm sinh của nền móng ĐBSCL bị hút lên quá mức so với khả năng tái tạo thì nền móng vùng này bị sụt, lún xuống ít nhất khoảng 30 - 50cm trong 30 năm vừa qua. Sự sụt lún nền móng đồng nghĩa với mực nước biển dâng cao lên 30 - 50cm, xâm nhập mặn sẽ thường xuyên hơn và vào sâu hơn. Tháng 3-4/2020, nhiều nơi độ mặn 1,5g/L đã vào sâu 60-70km từ bờ biển cửa sông, ranh giới mặn 4g/L có thể vào sâu 30-40km. Và hiện trạng thiệt hại về diện tích lúa, cây ăn trái… đã diễn ra phổ biến ở các địa phương.

Trong một văn bản gửi đến cơ quan các tỉnh ven biển miền Tây mới đây, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng chỉ rõ rằng chính việc áp đặt mô hình sản xuất nông nghiệp nước ngọt trên nền sinh thái nước mặn và nước lợ là nguyên nhân dẫn đến xâm mặn ngày càng trầm trọng hơn gây thiệt hại nặng nề. Tiến sỹ Nguyễn Đức Thắng, khẳng định chuyển đổi sản xuất dựa trên hệ sinh thái mà Nghị quyết 120/NQ-CP chính là lối thoát, giải pháp bền vững cho miền Tây.

Kỳ 2: Biến thách thức thành cơ hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sản xuất dựa trên hệ sinh thái ở miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO