Đại diện Ban soạn thảo, GS.TS Trần Thục cho biết, Chiến lược quốc gia về BĐKH mới được xây dựng dựa trên cách tiếp cận đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược (theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011) đến năm 2020; bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng Chiến lược BĐKH trong bối cảnh mới ở các quốc gia; dự báo về BĐKH, tác động của BĐKH đến Việt Nam.
Trong xây dựng Chiến lược, ứng phó BĐKH được xem là yêu cầu cấp thiết và phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Ứng phó BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để phát triển đất nước bền vững, thịnh vượng và thực hiện trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Thỏa thuận Paris. Dự thảo Chiến lược đến năm 2050 đã đưa ra các mục tiêu tổng quát và cụ thể; nhiệm vụ thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và các giải pháp thực hiện. Cùng với đó là nội dung về hoàn thiện thể chế, khơi dậy tiềm năng và nguồn lực nhằm ứng phó hiệu quả với BĐKH.
Tại cuộc họp, đại diện các nhóm soạn thảo đã trình bày nội dung cụ thể về thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu Net Zero (phát thải khí nhà kính bằng 0) của Việt Nam vào năm 2050. So với Chiến lược trước đó chỉ tập trung vào hiệu quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiêu chí xác định các biện pháp giảm nhẹ lần này là dựa trên xu thế phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, từ đặc thù các ngành/lĩnh vực có tiềm năng giảm nhẹ, có xem xét các rủi ro, thách thức tiềm năng và ưu tiên tận dụng công nghệ có sẵn, dự kiến trong nước và quốc tế. Hiện nay, ngành năng lượng đã xét đến các biện pháp mạnh mẽ nhất về tăng trưởng năng lượng tái tạo và giảm dần quy mô điện than, điện khí từ sau năm 2035. Lĩnh vực điện than và các quá trình công nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ CCS và Hydrogen xanh.
Bên cạnh đó, các nhiệm vụ trong thích ứng sẽ bám sát mục tiêu và nhiệm vụ đã xây dựng và phê duyệt trong Kế hoạch thích ứng quốc gia NAP và Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC của Việt Nam. Các mục tiêu thích ứng trong Chiến lược sẽ hài hòa với mục tiêu Net Zero, trọng tâm và xuyên suốt là nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống kinh tế tự nhiên và xã hội; giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng cho BĐKH.
Các đại biểu cũng cho ý kiến về đề cương đề án triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26. Dự kiến những hoạt động triển khai cam kết sẽ được lồng ghép với thực hiện Chiến lược trong giai đoạn đầu.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh vào việc phải tăng tính khả thi của Chiến lược, đề nghị các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, làm việc với các Bộ, ngành để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo. Trong đó, làm rõ hơn những điểm tiến bộ trong Chiến lược mới, đặc biệt là nội dung đồng lợi ích giữa giảm nhẹ và thích ứng. Cần chú trọng vấn đề huy động nguồn lực tài chính, đưa ra các cơ chế đổi mới để khuyến khích nguồn lực cho thích ứng BĐKH như thuế các bon, thị trường các bon, hoặc các ưu đãi về đất đai, sử dụng tài nguyên cho các nhà đầu tư... Chiến lược mới có thể chỉ ra một số định hướng để tiếp tục nghiên cứu trong tương lai.