Đầu tư cụm tuyến dân cư để phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai

Tuyết Chinh| 19/06/2020 12:00

(TN&MT) - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh An Giang kiến nghị hỗ trợ thực hiện đầu tư 16 cụm tuyến dân cư để bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai cho 5.283 hộ dân.

Hơn 8.100 hộ dân chịu ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch

Là tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với hệ thống sông ngòi, kênh mương chằng chịt, sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Bình Ghi, Châu Đốc cùng với kênh rạch lớn như Vàm Sáng, ông Chưởng, Long Xuyên, Vĩnh Tế ... Với địa hình đặc thù là đồng bằng và đồi núi, nên hàng năm An Giang thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai như: lũ, dông lốc, sét, hạn kiệt, mưa trái mùa và sạt lở đất bờ sông, kênh rạch.

Hơn 8.100 hộ dân ở An Giang nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch. Ảnh minh họa

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh An Giang, nhằm giảm thiểu tác động của lũ, sạt lở gây ra, từ năm 2001, với sự hỗ trợ của Trung ương đã đầu tư xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ vùng ngập sâu ĐBSCL, An Giang được đầu tư xây dựng 247 cụm tuyến dân cư (Giai đoạn 1 là 203 cụm tuyến, giai đoạn 2 là 44 cụm tuyến) và 01 cụm tuyến dân cư sạt lở.

Qua đó, đã sắp xếp, bố trí chổ ở ổn định cho các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai lũ lụt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch cho 40.274 hộ dân (trong đó, 30.447 hộ bị ảnh hưởng ngập lụt ngoài đê; 9.555 hộ bị ảnh hưởng ngập lụt trong đê và 272 hộ bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông).

Tuy nhiên, qua rà soát hiện nay, An Giang vẫn còn trên 26.500 hộ dân sống trên các tuyến sông, kênh rạch, trong đó, trên 8.100 hộ dân có trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch.

Trước thực tế đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh An Giang cho biết, địa phương đang chủ động tập trung nguồn lực của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và huy động xã hội hóa đầu tư các cụm tuyến dân cư phòng tránh thiên tai để di dời, bố trí, sắp sếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai trong giai đoạn 2021-2025, với 16 cụm tuyến dân cư, dự kiến bố trí cho trên 5.283 hộ dân.

Để đáp ứng nhu cầu vể cụm tuyến dân cư phòng tránh thiên tai đặc biệt là sạt lở, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng, ổn định đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội và phát triển kinh tế của An Giang nói riêng, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục xem xét tổng hợp đề xuất trình Chính Phủ hỗ trợ An Giang thực hiện đầu tư 16 cụm tuyến dân cư nói trên để bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai cho các hộ dân.

Thiên tai gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng thủy lợi

Nhận định của các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới cho thấy, khó có khả năng xuất hiện lũ lớn. Mặc dù vậy, An Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện duy tu, nâng cấp hệ thống đê bao, cống bọng, nạo vét kênh mương hàng năm để đảm bảo sản xuất.

Đồng thời, hằng năm, địa phương cũng thực hiện kế hoạch xả lũ vào các vùng bao để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, với diện tích khoảng 80.000 ha/vụ Thu đông, chiếm 32% diện tích.

An Giang nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi phòng, chống hạn và xâm nhập mặn. Ảnh minh họa

Đặc biệt, công tác phối hợp với Kiên Giang và Cần Thơ được thực hiện thường xuyên đảm bảo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi của vùng Tứ giác Long Xuyên nhằm kiểm soát mặn, cấp nước, ngăn lũ cho vùng. Trong đó, An Giang thực hiện vận hành 2 đập Tha La và Trà Sư để ngăn lũ và cấp nước vào mùa khô cho vùng. Đã góp phần đảm bảo nguồn nước, ngăn mặn, cấp ngọt, hạn chế tác động của lũ, hạn kiệt, phát triển sản xuất, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất và đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng thủy lợi đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do tình hình thiên tai và tác động của nguồn nước thượng nguồn, như: tổng lượng nước về ít, dẫn đến mực nước thấp, hạn hán, xâm nhập mặn, các tuyến kênh, mương trơ đáy vào thời điểm nước kém, các trạm bơm không bơm tưới được, kéo theo trình trạng sạt lở đất bờ sông, kênh rạch rất phức tạp.

“Mặc dù An Giang là tỉnh đầu nguồn, không thiếu nước nhưng thực trạng này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh An Giang cho hay.

Do vậy, hiện tỉnh đang phối hợp với các viện, trường khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để đề xuất các nhóm giải pháp nhằm thích ứng với thực trạng hiện nay và sẽ khó khăn hơn trong những năm tiếp theo. Trong đó, có giải pháp đang thực hiện như xây dựng cống đầu kênh để vận hành tích nước, kết hợp trạm bơm cấp nguồn khi mực nước quá thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cụm tuyến dân cư để phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO