Đầu tư cho làm mát hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm chi phí năng lượng tái tạo

Chu Thanh Hương (đưa tin từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập)| 18/11/2022 16:14

(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị COP 27 đang diễn ra tại Ai Cập, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Phát triển năng lượng bền vững tổ chức Sự kiện “Làm mát bền vững - Công cụ đa mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng “0”, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng”.

Sự kiện nhấn mạnh vai trò của lĩnh vực làm mát hiệu quả, thân thiện với khí hậu đóng góp vào việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; đề xuất các bước làm mát bền vững trên toàn cầu cho tất cả các lĩnh vực; thảo luận về các cơ hội để đẩy nhanh hành động thông qua chuyển giao công nghệ, đổi mới, tăng cường năng lực, hỗ trợ chính sách và tài chính có mục tiêu; kêu gọi tăng cường công nhận làm mát bền vững là ưu tiên giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc đáp ứng nhu cầu làm mát trong tương lai một cách bền vững có thể cắt giảm lượng khí thải toàn cầu trong 8 năm tới, và giảm chi phí cho năng lượng tái tạo thêm 3,5 nghìn tỷ đô la vào năm 2030.

anh1.jpg
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) đại diện Đoàn Việt Nam phát biểu trong Sự kiện

Ông Eric Usher, Trưởng ban Sáng kiến ​​Tài chính Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho rằng, sự kiện “làm mát bền vững” liên quan đến chủ đề đàm phán quan trọng tại Hôi nghị COP 27, cả về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Lĩnh vực làm mát có thể cứu được mạng sống con người đồng thời cũng giúp góp phần ứng phó với sự nóng lên toàn cầu. Các thiết bị làm mát sử dụng môi chất lạnh tạo ra khí nhà kính gây ra gánh nặng gấp đôi cho biến đổi khí hậu. Theo kịch bản phát triển thông thường, phát thải khí nhà kính lĩnh vực này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và tăng gấp 3 vào năm 2050.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc phát thải trực tiếp và gián tiếp các môi chất lạnh trong lĩnh vực làm mát đã được xem xét trong NDC cập nhật của Việt Nam, cũng như trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Năm 2020, với sự hỗ trợ của Chương trình Làm mát hiệu quả Kigali và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động làm mát quốc gia giai đoạn 2019-2030. Kế hoạch đề ra lộ trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực làm mát, trọng tâm là điều hòa không khí dân dụng. Trong thời gian tới, Việt Nam phối hợp với Ủy hội Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc (UNESCAP) và UNEP đang có kế hoạch mở rộng Kế hoạch hành động làm mát quốc gia, bao gồm các nội dung khác như chuỗi cung ứng lạnh thực phẩm và hệ thống làm mát tòa nhà/công trình.

Để đạt được hiệu quả làm mát bền vững, điều quan trọng là cần có nỗ lực từ ​​nhiều bên liên quan, xây dựng chính sách và quy định quốc gia, lựa chọn công nghệ phù hợp và bảo trì thiết bị làm lạnh – ông Phạm Văn Tấn nhấn mạnh.

anh2.jpg
Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn chia sẻ về các quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực làm mát tại Việt Nam

Tại sự kiện, ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) đã chia sẻ về các quy định quản lý nhà nước về lĩnh vực làm mát, cũng như lộ trình giảm phát thải trong lĩnh vực làm mát. Theo đó, Việt Nam giảm 80% lượng sử dụng các chất HFC vào năm 2045. Ở Việt Nam, HFC được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực điện lạnh, chữa cháy, điều hòa không khí, dung môi, bình xịt… Trong đó, điện lạnh là lĩnh vực thách thức nhất do sử dụng nhiều môi chất lạnh với tiềm năng làm nóng lên toàn cầu cao (R404A, R410A, R134a…).

Tiến sĩ Hak Mao, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Tổng cục Chính sách và Chiến lược, Bộ Môi trường Campuchia cho biết: Theo Kế hoạch hành động làm mát quốc gia Campuchia năm 2021, nhu cầu làm mát dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020-2040 lên 3,7 triệu tấn môi chất lạnh. Làm mát tòa nhà chiếm 1/3 tổng mức tiêu thụ năng lượng ở Campuchia. Việc lồng ghép các giải pháp làm mát thụ động trên cơ sở các luật, chiến lược có liên quan sẽ tối ưu hóa việc giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích khí hậu.

anh3.jpg
Các đại biểu tham dự Sự kiện

Bà Sirpa Helena Jarvenpaa, Giám đốc Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), Văn phòng Dịch vụ dự án Liên Hợp Quốc cho rằng, để giảm các-bon trong hệ thống làm mát, trước tiên, các Chính phủ cần hiểu rõ thách thức trong việc tăng cường sử dụng hiệu quả năng lượng. Thứ hai, cần có khung chính sách rõ ràng. Thứ ba, cần năng lực cần thiết để thiết kế và thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu. Tại Việt Nam, ETP đã tham gia xây dựng Kế hoạch làm mát xanh quốc gia nhằm đưa ra lộ trình cho lĩnh vực làm mát trong thời gian tới.

Tại Sự kiện, các bên đã cùng thảo luận để tăng cường hơn nữa vai trò của lĩnh vực làm mát trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia.

 Theo các báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), biến đổi khí hậu đã hiện hữu, ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới. Các tác động khí hậu càng trở nên trầm trọng hơn do khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu đang tác động nặng nề đến những người nghèo nhất.

Tại 54 quốc gia chịu tác động lớn, 1,2 tỷ người nghèo có nguy cơ chịu ảnh hưởng cao do thiếu tiếp cận với hệ thống làm mát. Ở một số quốc gia, có tới 70% thực phẩm sản xuất bị thất thoát do thiếu chuỗi cung ứng lạnh.

Ở mức tăng nhiệt độ lên 1,5°C, có tới 2,3 tỷ người dễ bị tổn thương trước các đợt nắng nóng nghiêm trọng và tính mạng bị đe dọa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho làm mát hiệu quả giúp giảm phát thải khí nhà kính và giảm chi phí năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO