Đau đầu với rác ngoại cỡ

25/06/2018 16:20

Nhu cầu bỏ những vật dụng cũ, hư hỏng hoặc không sử dụng (ban thờ, bàn ghế, tủ, giường, nệm...) là có thật. Trong khi đó, công nhân vệ sinh chỉ thu gom rác thải sinh hoạt, không thu gom rác khác.

Trưa cuối tuần vừa rồi, gia đình hàng xóm cạnh nhà tôi cãi nhau. Nguyên nhân chỉ vì họ có tấm nệm cũ rách muốn bỏ đi, đã bó lại cẩn thận để trước cửa nhà nhưng công nhân vệ sinh từ chối đem đi dù đã đề nghị bồi dưỡng thêm. Anh chị em trong nhà cãi nhau chỉ vì không biết đem vứt tấm nệm chỗ nào và ai là người phải làm công việc này.

Không biết bỏ ở đâu

Nghe câu chuyện của họ, tôi giật mình nhớ lại lần trước sửa nhà vệ sinh, chúng tôi thật sự "đau đầu" vì không biết bỏ xà bần ở đâu. Cuối cùng, chồng tôi kiếm được một người chạy xe ba gác nhận chở xà bần với giá 300.000 đồng/xe. Đáng nói là, ngày hôm sau tôi tình cờ biết được chuyến xe ba gác chở xà bần của gia đình tôi đã được người này... đổ thẳng xuống đoạn sông ở cuối đường, nơi vắng người qua lại.

Lâu nay, báo chí nhiều lần lên tiếng nạn đổ lén xà bần, ghế nệm, ván ép... ra ven kênh, các bãi đất trống… gây nhếch nhác, ô nhiễm môi trường. Rất nhiều tuyến đường, dưới chân cầu, dọc bờ sông... trở thành "bãi chiến trường" với đủ thứ rác thải. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã có, camera cũng được gắn nhiều nơi, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cũng đã xử phạt nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn cứ xảy ra, dường như không có giải pháp nào khả dĩ nhằm ngăn chặn triệt để. Vì sao như vậy?

Một thực tế đang diễn ra là nhu cầu bỏ những vật dụng cũ, hư hỏng hoặc không sử dụng (bàn ghế, tủ, giường, nệm, ban thờ...) là có thật. Trong khi đó, công nhân vệ sinh chỉ thu gom rác thải sinh hoạt, không thu gom rác khác, dù có khi chỉ là một số cành cây nhỏ được tỉa gọn, rác có lẫn đất đá nhỏ... Muốn bỏ các loại rác không phải là rác sinh hoạt, nhiều người chọn giải pháp chờ đêm xuống, lén đem đồ cần bỏ ra những bãi đất trống vắng người hoặc thuê người làm việc này rồi "giả đui, giả điếc", coi như người mình thuê đã đem bỏ rác đúng nơi, đúng chỗ và nhà mình thì gọn, sạch.

Cần quy định cụ thể, phổ biến đến người dân

Tôi được biết hiện ở TP HCM, việc thu dọn, xử lý rác thải, xà bần do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP thực hiện. Tuy nhiên, rất ít người dân biết đến dịch vụ chuyên chở xà bần này nên cũng hiếm người vận chuyển rác, xà bần đến trạm của công ty. Giải pháp người dân thường chọn là thuê xe ba gác chở đi đổ. Còn với đa phần người chạy xe ba gác và một số người dân khác thì chọn đổ lén vào lúc vắng người vì không biết nơi đảm nhận việc thu dọn hoặc sợ trả phí và tốn công đi lại, nếu "xui" bị phát hiện thì chấp nhận bị xử phạt (mà điều này cũng hiếm khi xảy ra vì lực lượng chức năng quá ít nhân viên).

Để ngăn chặn triệt để nạn đổ lén rác, xà bần, thiết nghĩ, bên cạnh xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, các ngành chức năng cần có biện pháp căn cơ hơn nữa, như tăng số trạm trung chuyển rác, xà bần để người dân đỡ khó khăn trong khâu vận chuyển khi có nhu cầu. Đặc biệt, cần học tập theo các nước tiên tiến trong việc phân loại rác, quy định cụ thể và lên lịch việc thu gom rác, phổ biến cặn kẽ đến từng hộ dân: ví dụ rác thải sinh hoạt thu gom hằng ngày; những rác thải khác (cây cỏ, vật dụng hư cũ, đồ nhựa, xà bần...) thu gom vào một ngày cố định trong tuần, đương nhiên phải đóng thêm tiền nhưng có quy định mức đóng một cách rõ ràng, minh bạch.

Thu gom rác ở Nhật Bản

Theo một người bạn ở Nhật Bản cho biết thì tại đây, rác được phân thành 4 loại chính: rác cháy được (các loại rác là thực phẩm, giấy gói, quần áo cũ, gỗ vụn, cành cây…); rác không cháy được (sản phẩm nhựa, sứ, kim loại, thủy tinh vỡ… và lưu ý phải được tháo nắp, gỡ mác cho vào túi đựng rác cháy được); rác là các loại chai thủy tinh, vỏ lon… Mỗi loại rác sẽ được bỏ vào túi riêng. Loại thứ 4 là rác ngoại cỡ (sofa, kệ chén đĩa, kệ sách, bàn ghế…), khi muốn bỏ phải gọi điện thông báo trước cho công ty xử lý rác thải và phải tốn một khoản chi phí. Các loại rác độc hại phải được bỏ trong túi bóng, có dán bên ngoài dòng chữ "rác có hại".

Người dân cũng phải nhớ lịch thu gom rác vì các loại rác sẽ được thu gom vào những ngày khác nhau. Có những loại rác được thu gom hằng tuần nhưng cũng có loại 2 tuần, 1 tháng, thậm chí 1 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đầu với rác ngoại cỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO