Đất ngậm no nước, mưa nhỏ cũng có thể gây sạt lở
(TN&MT) - Hiện nay, các khu vực miền núi đã trải qua mưa lớn nhiều ngày. Đất đã ngậm no nước và bão hòa nên chỉ một tác động nhỏ, một trận mưa nhỏ cũng có thể kích hoạt sạt lở.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 16/7 đến sáng 18/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 60-120mm, cục bộ có nơi mưa rất to trên 200mm; khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến: 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Người dân tại những vùng có nguy cơ cao phải thường xuyên theo dõi các cái bản tin cảnh báo của chính quyền địa phương để biết và chủ động phòng tránh, qua đó, giảm thiểu thiệt hại tính mạng cũng như tài sản.
Theo ông Phạm Vũ Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay khi có thông tin về đợt mưa lớn lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện gửi UBND các tỉnh, các Bộ, ngành liên quan và đề xuất chỉ đạo triển khai một số biện pháp ứng phó, trong đó có nội dung liên quan đến sạt lở đất, lũ quét.
Cụ thể, chính quyền địa phương phải chỉ đạo chính quyền cơ sở cũng như các lực lượng xung kích, lực lượng liên quan rà soát những khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Ở những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay tuyến giao thông có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét cần đặt biển cảnh báo người dân không đi qua khu vực đó, đặc biệt là vào ban đêm. Tuyến đường sạt lở hay có ngầm tràn, nước chảy xiết qua thì ngoài biển phải có người trực tiếp hướng dẫn bà con, tuyệt đối nghiêm cấm không cho bà con đi qua. Khuyến cáo bà con không ra sông, suối vớt củi hay đánh bắt cá ở những khu vực ngập sâu, có thể bị lũ cuốn hoặc chết đuối.
“Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân sinh sống ở khu vực có thiên tai về từng loại hình, dấu hiệu nhận biết để họ chủ động phòng chống, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ” – ông Luận nhấn mạnh.
Các địa phương cũng cần kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ đã xuống cấp... Bên cạnh đó, bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống; sẵn sàng vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Cơn áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp trước khi đổ bộ vào đất liền vào sáng nay. Tuy nhiên, vùng nhiễu động do hoàn lưu áp thấp sẽ mở rộng vùng mưa và có thể xuất hiện các hiện tượng nguy hiểm như lốc xoáy đối với tàu thuyền trên biển. Vì vậy, các tài thuyền đánh cá nhỏ hay các bè, mảng, thuyền thúng không nên ra khơi đánh cá. Người dân tại các khu nuôi trồng, lồng bè thủy sản cũng nên di chuyển vào đất liền, chờ khi thời tiết ổn định rồi mới quay lại sản xuất bình thường.
Ngoài ra, mưa lớn cục bộ với lượng trên 100mm có thể gây ngập úng cho khu vực đô thị. Tình trạng này không chỉ xuất hiện trong năm nay mà đã diễn ra từ nhiều năm vừa qua, đặc biệt tại các đô thị lớn là ví dụ như Đà Nẵng, Hà Nội, Bắc Ninh... Theo Cục trưởng Phạm Vũ Luận, để giảm bớt tác động từ mưa lớn, chính quyền các đô thị cần chỉ đạo tăng cường công tác khơi thông dòng chảy các cống, rãnh. Khu vực đã có trạm bơm phải dọn sạch vật cản ở trong các lòng dẫn, kênh mương để dẫn nước về các trạm bơm cũng như kịp thời tiêu thoát nước mưa.
Về lâu dài, khi phát triển đô thị cần lồng ghép xây dựng hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo đáp ứng mưa vói cường suất lớn trong thời gian ngắn, tránh tình trạng ngập úng. Vấn đề này đã được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai và các địa phương cần tuân thủ - ông Luận nhấn mạnh.