Tin tức

Đào ao trữ nước vượt khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên

Khánh Ly 02/08/2023 - 16:25

(TN&MT) - Trong năm 2023, các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ đưa vào sử dụng 121 ao chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhằm cung cấp nguồn nước bền vững giúp nông dân vượt qua mùa khô hạn.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do BĐKH ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam,” do Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) tài trợ. Dự án do UNDP, Bộ NN&PTNT cùng UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận triển khai.

dsc05378.jpg
Hình ảnh 1 ao chung đang được thi công tại tỉnh Đắk Lắk

Hiện nay, 106/121 ao đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng; 15 ao đang trong quá trình thi công và dự kiến sẽ sớm tích nước trong mùa mưa năm nay. Trong quá trình đào ao, các chuyên gia thủy lợi đã sử dụng mô hình mưa để tính toán cân bằng nước, xem xét nhiều yếu tố để có thể tích trữ tối đa nguồn nước mưa và nước mặt. Cụ thể, sử dụng tối đa nguồn nước sẵn có, phù hợp với điều kiện địa lý và rủi ro khí hậu, cũng như kinh nghiệm truyền thống của địa phương. Phương pháp này đảm bảo ao có thể chống chịu tốt với các kịch bản khí hậu khác nhau, đảm bảo cung cấp nước cho nông dân trong mùa khô hạn hàng năm tại địa phương; góp phần giảm đáng kể khả năng bị thiếu nước do hạn hán và tác động BĐKH đang diễn ra thường xuyên trong vùng Dự án.

Ngoài ra, thiết kế của ao còn tính đến khả năng giảm thiểu thất thoát nước và tránh bồi lắng, thúc đẩy quản lý nguồn nước bền vững. Ví dụ, một số kỹ thuật sinh học và các giải pháp dựa vào tự nhiên (như trồng các loại thực vật phù hợp ở xung quanh bờ ao, sẽ tăng cường khả năng chống chịu và giảm chi phí) cũng được kết hợp với kiến thức truyền thống.

Với cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm, dự án xây dựng các nhóm quản lý sử dụng ao. Trong đó, nông dân, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số đóng vai trò chính, tích cực tham gia giám sát xây dựng, vận hành và bảo trì. Thông qua tập huấn nâng cao năng lực, các nhóm nông dân này sẽ đảm bảo rằng ao được sử dụng một cách tối ưu và kịp thời giải quyết các thách thức kỹ thuật, lan tỏa các tác động tích cực đến cộng đồng địa phương.

Đến năm 2026, dự án sẽ đưa vào sử dụng 1.159 ao chống chịu khí hậu; thúc đẩy sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững trong bối cảnh BĐKH và hiện tượng El Nino cực đoan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào ao trữ nước vượt khô hạn ở miền Trung, Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO