(TN&MT) - Ngày 8/10, Đoàn đại biểu của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Tiến làm trưởng đoàn và Đoàn đại biểu của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Khen-Thong Nuôn-Ta-Xing làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị về việc triển khai chương trình giám sát của Ủy ban Đối ngoại năm 2018 chuyên đề về “Tình hình thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam- Lào” tại tỉnh Quảng Trị.
Báo cáo với đoàn công tác đại biểu Quốc hội 2 nước Việt Nam – Lào, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện tỉnh Quảng Trị có chiều dài đường biên giới gần 180km giáp với các tỉnh Savannakhet, Salvan của nước CHDCND Lào. Có 2 huyện biên giới là Hướng Hóa và Đakrông với tổng số 36 xã, thị trấn, trong đó có 17 xã, thị trấn biên giới.
Hiện trong vùng biên giới giữa Quảng Trị - Savannakhet có 25 hộ/98 khẩu di cư tự do (DCTD) với 183 trường hợp kết hôn không giá thú (KHKGT) sinh sống tại Quảng Trị.
Giữa Quảng Trị - Salavan có 42 hộ/236 khẩu DCTD và 45 trường hợp KHKGT sống tại xã A Dơi, huyện Hướng Hóa; 42 hộ/86 khẩu DCTD và 49 trường hợp KHKGT sống tại huyện Đakrông; 8 hộ/46 khẩu DCTD và 112 trường hợp KHKGT sống tại một số xã biên giới khác thuộc huyện Hướng Hóa.
Đối với người Việt Nam DCTD&KHKGT trong vùng biên giới Việt Nam – Lào thuộc tỉnh Savannakhet, Salavan là 493 người.
Tất cả những hộ gia đình/cá nhân người Việt Nam và người Lào DCTD&KHKGT trong vùng biên giới hai bên đã có cuộc sống ổn định, có nhà ở, đất canh tác tại địa phương nơi đang cư trú, nghề nghiệp chủ yếu của những hộ này là chăn nuôi và làm rẫy, con cái của những hộ này đều đã được đi học nhưng chưa cấp giấy khai sinh. Các hộ di cư này đều tôn trọng pháp luật, không vi phạm pháp luật hình sự, chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của pháp luật Việt Nam và pháp luật của Lào.
Nguyện vọng của toàn bộ số người DCTD&KHKGT trong vùng biên giới Việt Nam - Lào thuộc 3 tỉnh Quảng Trị - Salavan - Savannakhet mong muốn được tạo điều kiện ở lại nơi cư trú để ổn định cuộc sống. Hiện nay, chính quyền 2 tỉnh Savannakhet, Salavan đang tiến hành các thủ tục nội bộ để trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới Lào phê duyệt danh sách người Việt Nam DCTD&KHKGT được phép ở lại nơi cư trú Lào.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan thực hiện thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và đăng ký khai sinh, kết hôn, đăng ký thường trú, CMND cho người DCTD tại các huyện biên giới theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, việc giải quyết cơ bản vấn đề DCTD&KHKGT trong vùng biên giới 2 nước nhằm ngăn chặn DCTD&DCTD mới; ngăn chặn tổ chức, cá nhân hoặc nhóm người xấu gây ảnh hưởng an ninh trật tự vùng biên giới 2 nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp các khó khăn, vướng mắc: Vấn đề bất đồng ngôn ngữ của những người DCTD&KHKGT khiến việc điều tra và thu thập thông tin rất khó khăn. Người di cư tự do phần lớn không xác định được quốc tịch. Khó khăn về kinh phí thực hiện, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ đề ra. Vẫn còn phát hiện nhiều trường hợp DCTD&KHKGT mới nằm trong diện giải quyết theo Thỏa thuận.
Từ đó, nhằm để hoàn thành các nội dung Thỏa thuận theo lộ trình đã được 2 nước thống nhất, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra các kiến nghị đề xuất: Đề nghị các cơ quan Trung ương Lào xem xét chỉ đạo các tỉnh Salavan, Savannakhet sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để trình Trưởng đoàn đại biểu biên giới Lào phê duyệt danh sách những người Việt Nam DCTD&KHKGT trong vùng biên giới đã được 3 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet - Salavan điều tra, khảo sát và thống nhất danh sách. Đề nghị Ủy ban Đối ngoại Quốc hội có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ cấp kinh phí thực hiện Thỏa thuận cho địa phương để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo của năm 2019…
Trước đề nghị của tỉnh Quảng Trị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào Khen-Thong Nuôn-Ta-Xing cho biết: Về phía Lào đã tích cực hoàn thiện các thủ tục để Trung ương xem xét phê duyệt danh sách những người Việt Nam DCTD&KHKGT tại Lào để hoàn thành công tác này trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Tiến ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai việc thực hiện Thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người DCTD&KHKGT trong vùng biên giới Việt Nam- Lào giữa Quảng Trị và các tỉnh Savannakhet, Salavan. Những kết quả đạt được đã góp phần bảm đảm tăng cường, củng cố mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, tiếp tục xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào trở thành đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển… Với những kiến nghị của tỉnh, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sẽ tổng hợp có bản báo cáo tổng hợp lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi Chính phủ xem xét.
Dịp này, đoàn Quốc hội Việt Nam và Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Lào cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đến viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9.