Dân "khát" nước sạch vì nhà máy nước "đắp chiếu"

29/08/2017 00:00

(TN&MT) - Gần 300 hộ dân ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam vẫn phải dùng nguồn nước ao hồ, sông suối hay giếng bơm không bảo đảm vệ sinh bởi nhà máy nước Cao Ngạn ngừng hoạt động mấy năm nay.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng thôn Cẩm Sơn, xã Bình Lãnh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: Người dân mong chờ có nguồn nước sạch, an toàn để sử dụng, tránh bệnh tật xảy ra vì có quá nhiều người mắc bệnh ung thư đã tử vong. Vậy mà gần sáu tỷ đồng xây dựng nhà máy nước coi như đổ sông đổ biển.

Qua tìm hiểu của PV, được biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà máy nước Cao Ngạn ngừng hoạt động là do đơn vị quản lý chôn đường ống dẫn nước bằng nhựa quá nông, thậm chí nhiều đoạn lộ trên mặt đất, vì thế trâu bò dẫm đạp, rồi xe, người tác động vào làm nhiều đoạn bị nứt, vỡ, gãy gập. Ông Thái Ngọc Điệp, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Bình Lãnh, xã Bình Lãnh cho biết thêm: lượng phù sa trong nước nhiều, tạo nên lớp bùn dày trong bể lóng. Hiện tại UBND xã Bình Lãnh đang tổ chức khảo sát lấy ý kiến người dân để sửa chữa hay dừng hẳn hoạt động nhà máy. Bởi nếu sửa chữa nhà máy, cần đến gần một tỷ đồng.

Khu vực nhà máy cây cỏ phủ đầy lối đi, cổng ngõ
Khu vực nhà máy cây cỏ phủ đầy lối đi, cổng ngõ

Nhiều người dân ở đây cho biết: “Hằng năm vào mùa hè, giếng nhà lại trơ đáy. Sáng ra, người dân lại chở ba bốn cái thùng đi tận hơn cây số ra giếng làng ngoài đem nước về nhà để dùng. Giờ chi thêm một tỷ chưa chắc dân đã có nước sạch mà dùng. Tốt nhất là cho mỗi đội một cái giếng khoan để có nước cho người dùng qua tháng hạn trước”.

Được biết, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, UBND xã Bình Lãnh đã đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung tại thôn La Nga, với kinh phí 5,7 tỷ đồng, sử dụng nguồn nước từ hồ Cao Ngạn và hệ thống nước tự chảy đấu nối từ đập và mương Cẩm La về hệ thống để xử lý. Công trình gồm các hạng mục: hệ thống thu nước, khu xử lý, đường ống và các hạng mục khác kinh phí chi từ nguồn ngân sách nhà nước cho Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nông thôn.

Tuy nhiên, chỉ sau khi đưa vào hoạt động chưa đầy ba tháng, nhà máy nước đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được và bị bỏ hoang từ đó đến nay. Ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh cho biết, khi công trình nước sạch đưa vào hoạt động, đơn vị quản lý nhà máy thu với giá 4.000 đồng/m3. Tuy nhiên, người dân lại không tự giác đóng tiền mà tìm mọi cách trốn tránh. Điều này khiến đơn vị quản lý không có đủ chi phí để vận hành, sửa chữa. Về phía người dân, hầu hết đều cho rằng việc không nộp tiền là đúng, bởi vì chưa cấp nước nhưng đơn vị quản lý đã bắt dân đóng tiền là vô lý.

Cửa nhận nước từ hồ Cao Ngạn đang nằm
Cửa nhận nước từ hồ Cao Ngạn đang nằm "đắp chiếu"

“Hiện chính quyền xã đang làm khảo sát lấy ý kiến người dân. Ý dân sao thì xã làm vậy, suy cho cùng chính quyền là để phục vụ dân”, ông Nguyễn Tấn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lãnh nói. Thế nhưng khảo sát kéo dài hàng tháng trời mà vẫn chưa có kết quả. Trong khi phần đông người dân thôn La Nga và Cẩm Sơn đã ký xác nhận vào bảng khảo sát, đồng ý sử dụng nước từ nhà máy.

Việc thực hiện các giải pháp sửa chữa, nâng cấp nhà máy cấp nước thiếu triệt để, biện pháp quản lý vận hành yếu kém, sợ trách nhiệm… khiến thời gian kéo dài, hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước đang bị lãng phí, trong khi dân thiếu nước sạch sử dụng để bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng.

Bài và ảnh: Xuân Hồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân "khát" nước sạch vì nhà máy nước "đắp chiếu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO