Bất lực nhìn cây tiêu chết
Theo chu kỳ, vào thời điểm này, cây tiêu đang trong giai đoạn nuôi trái để chuẩn bị cho đợt thu hoạch dự kiến khoảng 02 tháng tới. Thế nhưng, nhiều gia đình trồng tiêu trên địa bàn huyện Đắk Sông (Đắk Nông) đều có chung cảm giác là thấy lo lắng và bất an vì mỗi ngày phải chứng kiến cảnh tượng hằng trăm gốc tiêu bị bệnh rồi chết, trong khi giá tiêu đang ở mức thấp nhất trong 08 năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Ba ở xã Nam N’Jang (huyện Đắk Song), người có thâm niên trồng tiêu cả chục năm nay cho biết: Nhiều năm nay, tiêu là cây trồng chủ lực và nguồn thu chính của gia đình. Tuy nhiên, không hiểu vì sao chỉ trong khoảng 03 tháng mưa vừa rồi vườn tiêu nhà tôi đột ngột nhiễm bệnh vàng lá, sau đó rụng dần rồi chết cả mấy trăm gốc. “Nói thật, nếu tốc độ nhiễm bệnh và chết kiểu này thì chắc năm nay vườn tiêu hơn một nghìn trụ chắc không kịp thu hoạch” - ông Ba lo lắng nói.
Cũng là người trồng tiêu thuộc diện kỳ cựu ở xã Đắk R’Tih (huyện Tuy Đức), ông Mai Xuân Lam cho hay: Cách đây chưa đầy 02 tháng, có khoảng 30 cây tiêu bị vàng lá, tôi liền đi mua đủ loại thuốc về phun, xịt kết hợp với bón phân nhưng không những không giảm bệnh mà số lượng cây tiêu bị nhiễm còn tăng lên. “Trồng tiêu nhiều năm, tôi chưa thấy năm nào tiêu bị bệnh và chết nhiều như năm nay, khổ nỗi giá năm nay lại quá thấp khoảng 50.000đồng/kg bằng một nữa năm ngoái” - ông Lam trăn trở nói.
Nhiều nguyên nhân gây hại
Theo ông Lê Quang Dần - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, ngoài các nguyên nhân khách quan như thời tiết trong năm mưa nhiều, độ ẩm đất và không khí cao tạo điều kiện cho nấm, bệnh, vi khuẩn phát triển gây hại cây tiêu thì một nguyên nhân được xem khá quan trọng ảnh hưởng trực tiếp, đó là do mấy năm qua giá tiêu tăng cao nên người dân ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, có một số vùng người dân trồng tiêu trên những vùng có chất đất thấp, trũng nước, trồng ở những diện tích đất đã bị nhiễm bệnh mà chưa qua xử lý. Ngoài ra, việc sử dụng những nguồn giống không rõ nguồn gốc, giống lấy trên những vườn đã không đảm bảo về sạch bệnh…
“Thời gian qua, có nhiều hộ sử dụng lại trụ cũ mua từ nơi khác về trồng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về nguồn bệnh và thực trạng bà con nông dân lạm dụng quá nhiều các loại thuốc hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng vô tình làm suy yếu khả năng kháng bệnh của cây tiêu” - ông Lê Quang Dần chia sẻ thêm.
Kiên quyết xử lý, tiêu hủy
Theo Báo cáo số 2400 ngày 22/10/2018 của Sở NN&PTNT Đắk Nông, tính đến ngày 18/10/2018, toàn tỉnh có 2.200ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh. Trong đó, huyện Đắk Song hơn 1.696ha, huyện Tuy Đức hơn 224ha, huyện Đắk G’Long hơn 115ha, thị xã Gia Nghĩa khoảng 85ha, huyện Đắk R’Lấp 38ha…
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Nông, tính đến thời điểm này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.
Đồng thời, hướng dẫn nông dân xử lý những diện tích đã nhiễm bệnh và phòng trừ những diện tích chưa bị để tránh thiệt hại. Hiện, Sở NN&PTNT đang cử cán bộ phối hợp với các địa phương theo dõi, thống kê nhằm đánh giá tình hình bệnh hại để hướng dẫn người dân có các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Dần, để hạn chế tối đa bệnh hại trên cây tiêu lây lan nhanh, Sở NN&PTNT vừa kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các Sở ngành liên quan cùng các địa phương kiên quyết xử lý, tiêu hủy những diện tích cây tiêu bị nhiễm bệnh nặng, không còn khả năng phục hồi.