Biến đổi khí hậu

Đắk Nông: Nỗ lực đáp ứng quy định chống phá rừng từ EU

Khánh Ly 31/08/2023 - 12:46

(TN&MT) - Quy định mới về Chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đặt ra thách thức cho một số ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó có cà phê. Với Đắk Nông, phương thức quản lý diện tích rừng và sản xuất nông nghiệp đang đi đúng hướng, phù hợp với các nguyên tắc của EUDR. Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, đây là cơ sở vững chắc để hạt cà phê Đắk Nông vượt qua các rào cản xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Thách thức đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Đắk Nông được biết đến với các mặt hàng quan trọng như cà phê, hạt tiêu, cao su và hạt điều, trong đó cà phê chiếm gần 19% sản lượng cà phê của cả nước. Tỉnh hiện có khoảng gần 140.000ha cà phê, sản lượng hơn 350.000 tấn, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk, Lâm Đồng. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 120.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 215 triệu USD/năm.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Nông đang chuyển từ sản xuất truyền thống, sử dụng quá nhiều phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật sang sản xuất hữu cơ, tái sử dụng phụ phẩm, sản xuất tuần hoàn; chuyển sang xu hướng canh tác đa tầng, thân thiện với môi trường; sản xuất chứng nhận, liên kết chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu. Người dân cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, sản xuất có chứng nhận; tưới tiết kiệm; sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường. Thay vì sản xuất nguyên liệu đơn thuần, hiện nay, tỉnh đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu.

anh-3.jpg
Ngành hàng cà phê của Đắk Nông đang chuyển sang sản xuất hữu cơ, tái sử dụng phụ phẩm, sản xuất tuần hoàn

Theo quy định mới EUDR, EU cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, trong đó có cà phê. Doanh nghiệp nhập khẩu phải chứng minh được các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc liên quan đến tình trạng suy thoái rừng. Quy định mới sẽ đưa ra các yêu cầu bắt buộc vào cuối năm 2024, nhằm góp phần giải quyết nạn phá rừng, suy thoái rừng; qua đó, bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải các-bon, ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học.

Đánh giá về tác động của EUDR đối với ngành hàng cà phê Đắk Nông, ông Tuấn Anh cho rằng, ngoại trừ yêu cầu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, thì EUDR có 4 nhóm yêu cầu chính đối với địa phương và người sản xuất. Thứ nhất, phải có dữ liệu về tọa độ (GPS) và ranh giới (polygon) cho từng lô/vườn cà phê. Thứ hai, thiết lập hệ thống thông tin dữ liệu của lô/vườn cà phê để làm cơ sở truy xuất nguồn gốc sản phẩm kết hợp với hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng. Thứ ba, thiết lập hệ thống giám sát báo cáo và phản hồi thông tin về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc bảo vệ rừng có liên quan đến việc sản xuất cà phê và khai thác gỗ. Thứ tư, có cơ chế báo cáo, thông tin và phản hồi khi có yêu cầu từ nước nhập khẩu.

Lợi thế của Đắk Nông là diện tích cà phê đa phần được trồng ổn định từ nhiều năm nay. Diện tích rừng đã được đưa vào quản lý nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với những diện tích có nguồn gốc phá rừng từ sau ngày 31/12/2020 đã được đưa vào quản lý và phục hồi rừng. UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Thách thức hiện nay là diện tích cà phê lớn trong khi hầu hết nông hộ chỉ sản xuất quy mô nhỏ lẻ. Tỉnh cũng chưa có cơ sở dữ liệu đến từng lô, thửa; Thời hạn đến cuối năm 2024 quá ngắn trong khi nguồn lực của tỉnh còn hạn chế.

20230816_144411.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông

Đăk Nông chúng tôi nhận thức được rằng, EUDR vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tổ chức lại sản xuất, nâng cao vị thế nông sản nói chung, cà phê nói riêng. Việc này không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là giá trị đạo đức và trách nhiệm. Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, sinh kế không phải là lý do để chúng ta đổ lỗi cho việc phá rừng để lấy đất sản xuất: “Không vì sinh kế mà làm phương hại đến môi trường".

Xây dựng hệ thống thông tin vùng trồng

Trong lúc chờ chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan, Sở NN&PTNT đã chủ động đẩy nhanh chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu các ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cao su. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật. Hệ thống sẵn sàng cung cấp các thông tin liên quan về vị trí, diện tích, đối tượng vi phạm... đối với các vụ phá rừng trái pháp luật sau ngày 31/12/2020, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc nông sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ khi xuất khẩu sang châu Âu, hoặc khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Ông Tuấn Anh cho biết, Sở NN-PTNT cũng tham mưu xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng, quản lý mã vùng trồng, đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng kế hoạch, lộ trình để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi ngành hàng, trước mắt ưu tiên các ngành hàng có liên quan đến EUDR.

anh-5.jpg
Nông dân thu hoạch cà phê

Trước mắt, các cơ quan liên quan của tỉnh đang đẩy mạnh truyền thông, phổ biến dự Luật EUDR đến tất cả các đơn vị chủ rừng, người dân sống gần rừng, ven rừng; nông hộ, các tổ chức, cá nhân, chế biến, kinh doanh ngành hàng cà phê. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn, chất lượng cao.

Tỉnh cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng dữ liệu ngành hàng cà phê (số hóa định vị vường cây, cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc…). Dự kiến đến 2025, Đắk Nông sẽ hoàn thành cơ bản việc số hóa cơ sở dữ liệu ngành hàng cà phê nói riêng và ngành nông lâm nghiệp nói chung.

Để phát triển bền vững các nhóm ngành hàng trên địa bàn Đắk Nông, từ giữa năm 2022 Bộ NN-PTNT đã phối hợp Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) khởi động Dự án "Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông" (Dự án iLandscape).

Dự án đề xuất xây dựng hệ thống thông tin vùng trồng dựa vào hiện trạng dữ liệu, bản đồ rừng theo phân loại 3 loại rừng và chỉ rõ các khu vực dễ bị tác động, tổn thương do sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, chuyển đổi dữ liệu và bản đồ rừng sang hệ thống bản đồ phù hợp để các doanh nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng.

picture1.jpg
Bản đồ minh họa vùng trồng theo 3 cấp độ rủi ro liên quan đến rừng thấp – trung bình và cao

Bên cạnh đó, với những khu vực vùng trồng chưa có cơ sở dữ liệu, UNDP, IDH cam kết bố trí nguồn lực cho cấp huyện để cập nhật thông tin vùng trồng theo từng ngành hàng, đồng thời khoanh vẽ thêm các khu vực vùng trồng theo 3 cấp độ rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao liên quan đến rừng. Với ưu tiên trước mắt dành cho đối tượng trực tiếp tác động đến các vùng có nguy cơ gây suy giảm hoặc mất rừng, dự án sẽ gấp rút hỗ trợ hệ thống thông tin và bản đồ vùng trồng tại cấp huyện đáp ứng yêu cầu EUDR. Các vùng trồng của Đắk Nông được phân loại theo mức độ rủi ro, làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê, cũng như các ngành hàng khác trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Nỗ lực đáp ứng quy định chống phá rừng từ EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO