Hàng loạt sai phạm được phát hiện
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông tại một số dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Cụ thể, như tại dự án của Công ty TNHH Thương mại Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ) được UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao cho 162ha rừng sản xuất là thông tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long) để quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh rừng. Thời hạn thuê đất là 50 năm và Công ty Nguyên Vũ đã đóng tiền thuê đất hơn 5,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, thay vì quản lý, bảo vệ chặt chẽ thì đơn vị này lại liên tiếp để xảy ra những vụ việc tranh chấp, lấn chiếm rồi mua bán đất rừng trái phép. Bên cạnh đó, trong thời gian được giao quản lý từ tháng 1/2016 đến đầu nằm 2018, Công ty Nguyên Vũ đã để nhiều diện tích rừng thông bị chặt phá, lấn chiếm.
Cũng vào giai đoạn đầu tháng 9/2018, thanh tra nhà nước tỉnh Đắk Nông đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm tại một số dự án nông lâm nghiệp khác. Điển hình như, tại dự án nông lâm nghiệp của Công ty Long Sơn ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Dự án của Công ty Long Sơn được thẩm định quy mô đầu tư là 1.079ha, gồm: khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng 507,7ha; trồng hơn 571ha cây trồng các loại. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ 507,7ha rừng được giao cho Công ty Long Sơn đã xóa sổ hoàn toàn (trong đó, 319,3ha đã mất trước tháng 10/2008, 188,4ha đã mất từ tháng 11/2008 đến 10/2013). Trong hơn 571ha mà Công ty Long Sơn đã trồng cây các loại thì có 441ha cao su, 68,1ha rừng...
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, trong tổng diện tích 1.079ha mà Công ty Long Sơn thuê vào tháng 01/2018 thì đến 23/6/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi gần 752ha, hơn 304ha còn lại Công ty tiếp tục quản lý, sử dụng. Theo kết quả xác minh, trên diện tích hơn 304ha này, Công ty Long Sơn đã trồng được gần 10ha cao su đúng quy hoạch, còn hơn 231ha cao su, bơ, hồ tiêu… sai quy hoạch và sai mục đích sử dụng đất, nằm trong 265 ha rừng bị hủy hoại. Cũng trên diện tích này, hiện có 31 hộ dân lấn chiếm hơn 85ha, kiên quyết không giao trả đất. Công ty không thể thực hiện được dự án và cơ quan chức năng cũng lúng túng, chưa có phương án giải quyết ổn định.
Tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp kéo dài
Ngoài việc quản lý lỏng lẻo dẫn đến mất rừng thì đa phần các công ty khi nhận giao khoán đều có một phần đất, rừng đã bị người dân xâm canh từ trước nên trong quá trình quản lý đã xảy ra tranh chấp ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cụ thể, vào năm 2014 xảy ra vụ tranh chấp đất giữa một số hộ dân ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long với Công ty Đỉnh Nghệ làm hai người bị thương nặng. Chưa dừng lại ở đó, sự việc tranh chấp cứ kéo dài suốt mấy năm qua, tính đến thời điểm hiện tại xung đột giữa người dân và công nhân quản lý bảo vệ rừng của Công ty Đỉnh Nghệ vẫn diễn ra thường xuyên. Hay đau lòng hơn hết là vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương xảy ra từ việc tranh chấp đất giữa Công ty Long Sơn ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức với Đặng Văn Hiến.
Theo báo cáo của Công an huyện Tuy Đức, từ năm 2008 đến nay, trên vùng dự án đã xảy ra 07 vụ án hình sự như gây thương tích, giết người, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Long Sơn đã có 07 báo cáo về việc bị đốt phá, hủy hoại tài sản, lấn chiếm đất… trên vùng dự án. Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Tuy Đức phải tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự tại “điểm nóng” này. Ở một số địa phương khác như: Đắk Song, Đắk G’Long hay Krông Nô tình trạng tranh chấp giữa người dân và các Công ty lâm nghiệp đang rất “nóng” và xảy ra khá phổ biến, nhất là giá đất rẫy ngày một tăng như thời gian qua.
Đơn vị quản lý, giám sát đã làm hết trách nhiệm?
Tính đến thời điểm này, những sai phạm của các công ty, đơn vị được giao khoán đất rừng theo dự án nông lâm nghiệp là quá rõ ràng và đã bị các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý ở phạm vi nhất định. Tuy nhiên, đối với những đơn vị là cơ quan nhà nước với vài trò quản lý, giám sát trực tiếp các dự án cũng cần phải có các biện pháp xử lý cụ thể để tránh những tiền lệ sau này. Trong kết luận của Thanh tra Nhà nước tại dự án Công ty Long Sơn nêu rõ, đối với Sở NN&PTNT Đắk Nông (giai đoạn 2006 - 2007) dù biết dự án đầu tư của Công ty Long Sơn lập với hơn 1.000ha trong khi nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình tài chính, các giải pháp đầu tư không khả thi nhưng Sở này vẫn ban hanh văn bản thẩm định dự án. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng không hướng dẫn Công ty Long Sơn điều chỉnh quy mô dự án cho phù hợp hiên trạng; không chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm theo dõi diện biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp nhằm hoạch định chính sách lâm nghiệp địa phương, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, khi xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển Lâm trường Quảng Tín đã không tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp quản lý dử dụng đất dẫn đến việc không rà soát hiện trạng, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp lấm chiếm đất rừng để chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính… Ngoài ra, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho thuê đất, rừng đối với dự án của Công ty Long Sơn cũng chưa chặt chẽ; tham mưu UBND tỉnh cho Công ty Long Sơn thuê đất, rừng khi chưa giải quyết dứt điểm diện tích đang bị người dân lấn chiếm, xâm canh.
Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông chia sẻ, tính từ lúc tách tỉnh đến nay (2004 - 2018) các dự án nông lâm nghiệp chưa phát huy được hiệu quả. Một trong những nguyên nhân cơ bản là trong khâu thẩm định, đánh giá năng lực tài chính và năng lực quản lý bảo vệ rừng của các công ty chưa được các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện khách quan. “Thời gian qua, các đoàn Thanh tra của Chỉnh phủ và của tỉnh Đắk Nông đã tiến hành rà soát, thanh tra, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để khắc phục”. Ông Yên nói.
Theo ông Lê Trọng Yên, trong năm 2019 và những năm tiếp theo Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương rà soát tổng thể các dự án một cách chi tiết từ các khâu khác nhau. Đồng thời, phải gắn trách nhiệm đối với các chủ rừng trong quá trình quản lý và bảo vệ. “Năm 2019, tập trung quản lý bảo vệ rừng và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn đang gặp phải. Riêng đối với các dự án nêu kiểm tra phát hiện dự án nào vi phạm phải kiên quyết thu hồi và xử lý trách nhiệm của các đơn vị sở ngành trực tiếp tham mưu tập trung kiểm tra, kiểm điểm” - ông Yên khẳng định.