(TN&MT) - Như tin Báo điện tử TN&MT đã đưa về vụ việc một cơ sở đăng ký kinh doanh nông sản tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) dùng bột pin con ó để nhuộm cà phê được lực lượng chức năng phát hiện chiều ngày 15/4. Để tìm hiểu cụ thể sự việc cũng như mong muốn thông tin được đa chiều cho bạn đọc, PV báo điện tử TN&MT đã trực tiếp xuống tại cơ sở này và lấy ý kiến của người dân cũng như chính quyền địa phương để làm rõ một số nội dung liên quan.
Kinh hoàng với “nguyên liệu” dùng để nhuộm màu cà phê
Theo chân của một cán bộ Phòng Cảnh sát Môi trường(PC49) công An tỉnh Đắk Nông vào bên trong khu sơ chế cà phê “bẩn” của bà Nguyễn Thị Thanh Loan(SN 1975) chúng tôi không khỏi bàng hoàng và sửng sốt trước cách làm có một không hai này. Với diện tích kho chứa hàng được xây dựng theo kiểu nhà cấp 4 chưa đầy 100m2 nhưng có hàng trăm bao tải được chất thành nhiều đống cao hơn 2m. Qua quan sát, bên trong các bao tải này chứa võ cà phê với bột đá và một ít loại nhân cà phê bị vở mụn. Nằm cạnh các bao tải này có nhiều thùng nhựa chứa một dung dịch chất lỏng màu đen trông rất đặc và bẩn được lực lượng chức năng xác định là bột pin con ó hòa vào nước, sau đó đưa vào cối trộn với võ cà phê và bột đá để nhuộm màu.
Đăng ký giấy phép kinh doanh một đằng nhưng hoạt động một nẻo
Theo tìm hiểu, người đứng chủ cơ sở đăng ký giấy phép kinh doanh(GP) mang tên bà Nguyễn Thị Thanh Loan(SN 1975), mới đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp từ ngày 11/1/2016, nơi thường trú trước đây thuộc Phường Xuân Bình, Thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, được phòng Tài chính–Kế hoạch huyện Đắk R’Lấp cấp lần đầu ngày 19/08/2016 với ngành nghề kinh doanh là thu mua nông sản. Tuy nhiên, theo người dân sống gần đó và chính quyền địa phương, chưa bao giờ thấy chủ cơ sở này đi thu mua cà phê nhân xô hay tiêu đen cả hoặc có hoạt động kinh doanh nào liên quan đến các mặt hàng nông sản. Trao đổi với phóng viên, một người dân sống gần đó xin dấu tên cho biết: “Khoảng 2 năm trở lại đây thấy ngôi nhà của bà Loan đang ở thường xuyên có xe tải ra vào chở hàng và đông người qua lại. Điều đáng quan tâm, việc hoạt động hàng ngày của cơ sở này có vẻ công khai chứ không dấu diếm hay sợ sệt gì”.
Qua quan sát, điểm hoạt động làm cà phê “bẩn” này cách mặt đường liên xã khoảng 150m, xung quanh có nhiều nhà dân sinh sống, nằm cách trung tâm chợ Nhân Đạo và UBND xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp khoảng 500m. Mặc dù GP đăng ký kinh doanh được cấp từ 19/08/2016 nhưng đến nay vẫn không có biển báo hay bất kỳ một thông tin nào được đặt tại điểm kinh doanh do bà Loan đứng tên.
Chính quyền địa phương phát hiện hoạt động kinh doanh bất thương gần 1 năm
Làm việc với PV, ông Võ Ngọc Anh, Trưởng công An xã xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp(Đắk Nông) cho biết, qua công tác nghiệp vụ và nắm tình hình địa bàn đã phát hiện cơ sở của bà Loan có dấu hiệu hoạt động bất thường gần một năm trở lại đây nhưng để xử lý phải trãi qua một quá trình điều tra phối hợp với các đơn vị liên quan để tìm chứng cứ.
Theo ông Anh, sau khi bị lực lượng chức năng bắt quả tang, bước đầu bà Loan khai nhận đã dùng một số lượng lớn pin có nhãn hiệu con ó sau đó đập ra lấy bột hòa với nước cho vào cối trộn và đảo với bột đá và phế phẩm cà phê sau đó đóng bao và vận chuyển đi tiêu thụ. Tuy nhiên, bà Loan không cho biết chuyển đi đâu và ai mua lượng hàng này. Ngoài ra, ông Anh chia sẻ thêm là theo bà Loan, cứ hai thùng pin con ó khoảng 12 cặp sau khi đập ra có thể trộn cho 6 tấn phế phẩm cà phê và bột đá.
Tiếp tục điều tra và xác minh nguồn hàng đi về đâu và ai tiêu thụ
Làm việc với PV, một lãnh đạo Phòng PC49 công An tỉnh Đắk Nông, cho biết: Trước mắt đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan để cùng điều tra làm rõ mức độ của vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện tại, Phòng đang cho cán bộ tổ chức, xác minh nguồn hàng nhập về đâu và cơ sở nào chế biến và tiêu thụ.
Theo một giảng viên ngành hóa học thuộc trường Đại học Bách Khoa Hà Nội pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người. Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc. Nếu
nhẹ thì sau khi ăn ít, chúng ta sẽ bị ngộ độc tiêu hóa, nặng hơn và lâu dài, chúng sẽ tích lũy trong cơ thể và tiềm ẩn ung thư. Ngoài ra, vị giảng viên này cho biết thêm, chì có trong pin, tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh... Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa.