Biến đổi khí hậu

Đắk Lắk: Ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững

Trần Thọ 28/05/2024 - 17:15

Biến đổi khí hậu đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân tỉnh Đắk Lắk, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững.

Tỉnh Đắk Lắk nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cao nguyên, có lượng mưa trong năm khá lớn, tài nguyên đất đai đa dạng với hơn 320.000 ha đất đỏ bazan, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nơi phát nguyên các hệ sông suối lớn như sông Sêrêpôk, đầu nguồn sông Ba, có tiềm năng lớn về thủy lợi, thủy điện. Tiềm năng này đã và đang được khai thác để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk và của vùng Tây Nguyên.

bien-doi-kh-dak-lak-1.jpg
Biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến hàng ngàn hecta cây trồng tại tỉnh
Đắk Lắk

Bên cạnh những thuận lợi, các hiện tượng cực đoan của thời tiết ngày càng xuất hiện nhiều đang trở thành rào cản đối với phát triển kinh tế của người dân. Biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại nặng nề tới đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, làm mất đất canh tác.... Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa còn có nguy cơ làm thay đổi diện tích rừng, hạn hán và thiếu nước, nguy cơ cháy rừng... trên địa bàn.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Ngày 18/3/2024, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND Hành động thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ để phòng ngừa, giảm thiểu các tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, giai đoạn đến năm 2030 thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu: Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng; sản xuất công nghiệp gắn với triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường; cải tạo, nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa nước nội tỉnh; tập trung cải tạo, mở rộng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, dân cư tập; quản lý bền vững tài nguyên rừng gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao dịch vụ hệ sinh thái; phát triển mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường; triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả…

z5481865603387_7875c58cc6b5102d0d07d4c4e16b6f2f.jpg
Nhờ hệ thống tưới tự động, nhiều vườn cây tại Đắk Lắk vẫn xanh tốt qua mùa nắng hạn

Tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu trong tất cả các chương trình, kế hoạch, quy hoạch, chiến lược của các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh; tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của con người, cơ sở hạ tầng, các hệ thống tự nhiên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an toàn trước thiên tai; thực hiện các chương trình, kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính đạt các mục tiêu của tỉnh; tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố và hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định số 1236/QĐ-UBND ngày 2/6/2022 về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá khí hậu tỉnh Đắk Lắk nhằm đánh giá hiện trạng, xây dựng và cập nhật những thay đổi của khí hậu phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay và đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ, dự án giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hoàng Văn San - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, nhiều dự án, giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai. Tháng 3/2024, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Tổ chức Netherlands Development Organization (SNV) tổ chức Hội nghị triển khai Dự án canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Dự án nhằm cải thiện thu nhập của 8.000 hộ trồng cà phê nhỏ, vùng khó khăn và dễ bị tổn thương thông qua tập huấn, đào tạo và hỗ trợ khuyến nông lấy nông dân làm trung tâm về các biện pháp canh tác cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; dự kiến được triển khai từ 2024 đến 2028 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với tổng giá trị khoản viện trợ cho dự án là 18,4 tỷ đồng, từ 100% vốn tài trợ không hoàn lại của Tổ chức SNV.

Trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam", vào cuối năm 2023, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với Ban Quản lý Trung ương các Dự án thủy lợi (Bộ NN&PTNT) và Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã bàn giao 70 ao nước chống hạn cho các hộ dân tại 2 huyện Krông Pắc và Ea Kar. Với tổng dung tích hơn 60.000 m3, các ao này có thể cung cấp nước tưới cho hơn 52 ha cây trồng.

Sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước cùng với nỗ lực của chính quyền và người dân tỉnh Đắk Lắk đang mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu các tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Ứng phó biến đổi khí hậu hướng tới cuộc sống an toàn, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO