Đắk Lắk: Tái diễn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp

22/05/2017 00:00

(TN&MT) - Đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án không đúng phương án đã được phê duyệt, triển khai chậm, không hiệu quả. Do đó, đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk thu...

 

(TN&MT) - Trong những năm qua, Đắk Lắk đã giao đất lâm nghiệp, giao rừng cho nhiều nhà đầu tư với mực đích trồng cao su - cải tạo và phát triển rừng. Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án không đúng phương án đã được phê duyệt, triển khai chậm, không hiệu quả. Do đó, đã bị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi bàn giao cho địa phương quản lý. Điều trớ trên là khi rừng, đất lâm nghiệp vừa giao cho địa phương quản lý thì ngay lập tức bị người dân tái lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp tràn lan.

Khu vực đất lâm nghiệp tại tiểu khu 277, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm san ủi trắng để trồng cây nông nghiệp.
Khu vực đất lâm nghiệp tại tiểu khu 277, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp bị người dân lấn chiếm san ủi trắng để trồng cây nông nghiệp.

Người dân lấn chiếm như đất vô chủ

Ngày 23-2-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 402/QĐ-UBND thu hồi 753,88 ha đất Dự án trồng cao su, cải tạo và phát triển rừng tại tiểu khu 277, xã Cư M’lan, huyện Ea Súp của Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie, giao cho địa phương quản lý. Cũng vào thời điểm này, UBND tỉnh Đắk Lắk có chủ trương cho một số doanh nghiệp triển khai dự án điện năng lượng mặt trời tại khu vực mới thu hồi. Từ thông tin này, người dân trong huyện Ea Súp đã kéo nhau vào phát dọn rừng, cày xới lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng cây hoa màu. Nhiều người còn nói “Trồng cây, chiếm đất sau này dự án điện mặt trời vào triển khai thực hiện sẽ được bồi thường”.

Bà Trần Hải Yến, tự giới thiệu là Chủ nhiệm Hợp tác xã Lâm Thành, xã Ea R’vê, huyện Ea Súp là đơn vị đang hợp tác với Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie thực hiện dự án trồng cao su, cải tạo và phát triển rừng tại tiểu khu 277, xã Cư M’lan cho biết: “Thời gian gần đây, sau khi có thông tin chủ trương của tỉnh Đắk Lắk cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án điện năng lượng mặt trời tại tiểu khu 277 thì có đông đảo người dân địa phương kéo vào để lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp và cả đất dự án trồng cao su, cải tạo và phát triển rừng của Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie để chờ hưởng đền bù”.

Liên tục trong gần một tháng qua, các đối tượng ngang nhiên đưa nhiều xe cày lớn vào cày trên đất lâm nghiệp, thậm chí đất đã được Hợp tác xã Lâm Thành hợp tác trồng rừng cũng bị cày xới gây thiệt hại nặng. Các đối tượng này ngang nhiên hoạt động cả ngày lẫn đêm nhưng không thấy chính quyền cũng như các ngành chức năng của xã, huyện vào ngăn chặn, xử lý. Khi người của Hợp tác xã ra ngăn chặn thì các đối tượng hành hung, sử dụng hung khí uy hiếp. Tình trạng lấn chiếm, tranh giành đất đai dẫn đến hành hung, xô xát lẫn nhau xảy ra, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì rất có thể trở thành điểm nóng.

Rừng cây Xà cừ do bà Trần Hải Yến trồng đang xanh tốt bỗng được giao cho địa phương quản lý đang xảy ra trang chấp.
Rừng cây Xà cừ do bà Trần Hải Yến trồng đang xanh tốt bỗng được giao cho địa phương quản lý đang xảy ra trang chấp.

Ông Phạm Văn Dân - Phó chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết: Kết quả kiểm tra mới nhất của UBND xã Cư M’lan tại khoảnh 7, 8 tiểu khu 277, do Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie quản lý đã phát hiện các đối tượng san ủi trắng gần 20 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 11 ha được cày xới bằng máy cày lớn. Để ngăn chặn UBND xã đã thành lập tổ công tác và liên tục tổ chức kiểm tra tại các khu vực người dân lấn chiếm. Thế nhưng, các đối tượng đến lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp thường lén lút cày xới vào ban đêm, trong khi đó tiểu khu 277 nằm cách trung tâm xã gần 20 Km, giao thông đi lại hết sức khó khăn, mỗi lần nhận được tin báo có đối tượng cày xới, UBND xã tổ chức đoàn vào kiểm tra thì chúng đã “Cao chạy xa bay” nên việc bảo vệ, quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ dự án buông xuôi

Thực tế cho thấy, người dân không chỉ ngang nhiên lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp để chờ hưởng đền bù, mà cả đất thuộc dự án trồng cao su, cải tạo và phát triển rừng tại tiểu khu 277, do hợp tác xã Lâm Thành hợp tác với Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie được giao quản lý cũng bị “chia năm xẻ bảy”.

Hiện nay bà Trần Hải Yến đã trồng hơn 100ha cây Xà cừ lên xanh tốt đến 2m. Thế nhưng giữa các hà cây một số đối tượng đã vào cày xới để trồng hoa màu. Trong khi bà Trần Hải Yến đang gia sức bảo vệ thành quả lao động của mình trên vùng dự án đã ký hợp đồng liên kết, hợp tác trồng rừng thì chính lãnh đạo Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie thờ ơ buông xuôi. Đến khi bị thu hồi thì bỏ mặc người liên kết. Cho đến khi phóng viên tìm hiểu thực tế tại UBND huyện Ea Súp về vấn đề này thì bà Trần Hải Yến mới biết là mình đang trồng rừng trên đất đã bị UBND tỉnh thu hồi từ Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie giao cho địa phương quản lý.

Vùng tranh chấp giữa HTX Lâm Thành do bà Trần Hải Yến làm chủ nhiệm với các hộ dân trên địa  bàn huyện Ea Súp.
Vùng tranh chấp giữa HTX Lâm Thành do bà Trần Hải Yến làm chủ nhiệm với các hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp.

Ông Phạm Văn Dân - Phó chủ tịch UBND xã Cư M’lan cho biết: Qua kiểm tra, rà soát, UBND xã Cư M’lan đã xác định từ năm 2012 đến 2016 có 67 hộ dân trên địa bàn xã Cư M’lan và các xã lân cận đến lấn chiếm, tranh chấp đất đai trong vùng dự án với Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie với diện tích hơn 135 ha. Sau khi tiến hành xác minh, đo đạc, xác định vị trí, vẽ sơ đồ từng lô đất có tranh chấp, UBND xã đã nhiều lần mời đại diện các hộ dân lấn chiếm và đại diện Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie lên trụ sở UBND xã để giải quyết, nhưng công ty không cử người đến giải quyết. Chính vì sự thiếu hợp tác, thờ ơ, buông xuôi của Công ty cổ phần cao su Phú Riềng Kratie trong việc ngăn chặn người dân phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp của dự án đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 277 của địa phương. Do triển khai không hiệu quả, chậm tín độ, buông lỏng quản lý, bảo vệ để người dân vào lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp với diện tích lớn. Nên UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi giao cho địa phương quản lý. Song, vẫn trên đà như trước đây chính quyền xã đang gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn phá rừng và lấn chiếm đết lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Toản - Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Tình trạng lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện nói chung, tại tiểu khu 277, xã Cư M’lan nói riêng diễn biến hết sức phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp với UBND các xã, các đơn vị chủ rừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, lấn chiếm rừng, đất lâm nghiệp trái phép. Đối với các đơn vị chủ rừng, các dự án sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn nếu không đủ năng lực thực hiện dự án và buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp thì huyện sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi dự án, giao rừng, đất lâm nghiệp về cho địa phương quản lý.

Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Tái diễn nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO