Đắk Lắk: Không công tác, giáo viên vẫn có lương 6 tháng

12/09/2014 00:00

(TN&MT) - Mặc dù giáo viên không công tác tại trường nhưng vẫn có tên trong danh sách bảng lương và nhận lương suốt 6 tháng.

   
(TN&MT) - Khi một giáo viên trong trường nghỉ sinh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Ea Khal, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) đã ký hợp đồng ngắn hạn với 1 giáo viên khác để làm thay. Mặc dù giáo viên này không công tác tại trường nhưng vẫn có tên trong danh sách bảng lương và nhận lương suốt 6 tháng.
   
Trường THCS Bế Văn Đàn, nơi xảy ra sự việc
   
Không có người, vẫn có lương
   
  Vào tháng 12/2013, cô Hà Nguyễn Yến Phụng (làm công tác Văn thư của trường THCS Bế Văn Đàn) nghỉ sinh nên thầy Hiệu trưởng nhà trường đã ký hợp đồng có thời hạn với cô Trần Thị Huệ (SN 1990, tốt nghiệp Trường CĐSP Đắk Lắk) để làm thay. Theo hợp đồng, cô Huệ được trả lương ở bậc 1/12, hệ số 1,86 (tương đương với 2.829.000 đồng/1 tháng), thuộc viên chức loại B và không được đóng bảo hiểm xã hội.
   
  Thế nhưng, thầy Nguyễn Công Chu (Phó Hiệu trưởng) lại khẳng định không có giáo viên nào tên Huệ làm ở nhà trường. “Trên thực tế, từ tháng 12/2013 đến tháng 5/2014, cô Trần Thị Huệ vẫn có tên trong bảng lương của nhà trường với tổng số tiền đã rút từ kho bạc để trả lương cho cô này là 16.974.000 đồng. Không hề được bàn bạc, thông qua, chúng tôi thật sự thấy bất ngờ khi có 1 giáo viên không tới trường nhưng vẫn được nhận lương.” – thầy Chu thắc mắc.
   
  Thầy Trần Định – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sau khi ký hợp đồng, cô Trần Thị Huệ đã xin nghỉ vì lý do đường xá xa xôi. Không có người phụ trách công tác văn thư nên tôi đã giao việc và trả lương kiêm nhiệm cho 2 giáo viên khác trong trường (mức lương 1.030.000 đồng/2 người/1 tháng). Lương của cô Huệ trong 6 tháng, ngoài phần đã sử dụng chi tiêu cho Lễ Sơ kết học kỳ I (năm học 2013 – 2014) và dịp 8/3, số còn được đưa vào trong quỹ của nhà trường để chi tiêu nội bộ chứ không hề thất thoát đi đâu cả”.
   
  Về việc ai là người ký nhận lương cho cô Huệ, cô Hoàng Thị Hồng Hạnh – Kế toán nhà trường, cho biết: “Trong thời gian này, phần ký nhận lương của cô Huệ vẫn để trống. Riêng đợt Thanh tra huyện tiến hành kiểm tra trường vào tháng 12/2013, chỉ có ô ký nhận lương của cô Huệ để trống nên tôi đã ký vào cho kín”.
   
Thầy Trần Định và kế toán nhà trường giải thích sự việc trên
    
Nhiều khuất tất
   
  Thực tế cho thấy không hề có văn bản nào liên quan đến việc Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn giao cho 2 giáo viên khác trong trường kiêm nhiệm và hưởng lương. Không cần thông qua bàn bạc, cách thức trả lương mà thầy Định lý giải là “tôi giao việc cho họ thì họ được nhận lương” và “cứ gặp thủ quỹ lấy” rõ ràng là sai nguyên tắc thu, chi tài chính của đơn vị. Bên cạnh đó, chữ ký của cô Trần Thị Huệ trong bản hợp đồng ký với trường THCS Bế Văn Đàn vào tháng 12/2013 hoàn toàn khác với chữ ký trong hợp đồng với Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (tại xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) vào tháng 10/2012 (lúc này thầy Trần Định làm hiệu trưởng).
   
  Được biết, năm học 2013 – 2014 vừa qua, Hiệu trưởng trường THCS Bế Văn Đàn (thầy Nguyễn Hữu Hương, nay là Hiệu trưởng trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, ở xã Ea Wy) đã vi phạm công tác quản lý thu, chi dẫn đến chi sai nguyên tắc tài chính ngân sách của nhà nước số tiền 29.771.000 đồng. Hiện tại, thầy Trần Định đã lấy tiền của năm học 2014 – 2015 để bù trả số tiền trên và tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động phong trào khác (thậm chí là trừ lương cán bộ trong trường) để bù vào. Tuy nhiên, theo thầy Vũ Văn Phúc – Chủ tịch Công đoàn nhà trường, thì trách nhiệm chi tiêu sai số tiền trên phải được xác định thuộc về ai chứ không phải nên cả tập thể phải chịu. “Việc này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chung của giáo dục. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần góp ý với Hiệu trưởng trong các cuộc họp nhưng chưa thấy có thay đổi. Cũng có thể đó là phong cách làm việc của thầy Định” – thầy Phúc chia sẻ.
   
Chữ ký của cô Trần Thị Huệ trong 2 hợp đồng hoàn toàn khác nhau
    
  Theo thầy Nguyễn Khắc Vũ – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ea H’leo, từ năm 2014, các trường học (cụ thể là Hiệu trưởng) được tự chủ vấn đề nhân viên và tài chính chi tiêu nội bộ. Tuy vậy, kinh phí chi tiêu nội bộ của các trường phải được Hiệu trưởng đưa ra bàn bạc với các tổ chức, cán bộ trong trường một cách công khai chứ không thể tự ý quyết định. “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh lại vấn đề này, nếu thực tế đúng như vậy thì Hiệu trưởng và Kế toán trường THCS Bế Văn Đàn phải là người đứng ra chịu trách nhiệm” – thầy Vũ khẳng định.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Không công tác, giáo viên vẫn có lương 6 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO