(TN&MT) - Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh đã có gần 37.000ha cây trồng bị hạn và hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã hoàn toàn khô cạn. |
Theo đó, trong 36.961ha cây trồng bị hạn (tăng so với cùng kỳ năm trước hơn 5.000ha), lúa nước chiếm 3.932ha (864ha mất trắng), cà phê chiếm 29.348ha (mất trắng 3.958ha), hồ tiêu 1.494ha, còn lại là cây trồng khác. Theo tính toán của các ngành chức năng địa phương, ước tính thiệt hại do hạn gây ra đã lên tới hơn 1.110 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có 20.160 hộ dân thiếu nước sinh hoạt (tăng hơn 17.000 hộ so với cùng kỳ năm ngoái). Do mực nước ngầm giảm sâu, phần lớn giếng đào và một số giếng khoan của công trình cấp nước tập trung sụt giảm nhanh, thậm chí không còn nước.
Do lượng mưa năm nay giảm mạnh, dòng chảy thiếu hụt nên mực nước các sông suối, hồ đập thủy lợi trên địa bàn xuống thấp. Phần lớn các hồ chứa nhỏ trên địa bàn đã cạn, trong đó có 118 hồ đã khô hoàn toàn (tăng so với cùng kỳ 30 hồ).
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk và thực tế nguồn nước hiện tại trên địa bàn, khô hạn nghiêm trọng có thể kéo dài đến giữa tháng 5/2016, mức độ thiệt hại do hạn hán trong vụ Đông Xuân 2015 - 2016 trên địa bàn Đắk Lắk là hết sức khốc liệt. Ước tính sẽ có khoảng 80.000ha cây trồng (trong đó, cà phê chiếm khoảng 70.000ha) bị hạn và khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Trên cơ sở xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn, vào cuối tháng 3/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định công bố tình trạng rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ 1 tại 7 huyện, thị xã gồm: Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng và Buôn Hồ. UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai kế hoạch phòng chống hạn, trong đó ưu tiên hàng đầu cho việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Tin & ảnh: Lê Phước