Đắk Lắk: Để xây dựng không phép, Bí thư và Chủ tịch xã bị kỷ luật

08/07/2017 00:00

(TN&MT) - Theo phản ánh của người dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của họ đang bị ảnh hưởng nặng bởi dòng suối Ea...

 

(TN&MT) - Theo phản ánh của người dân xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của họ đang bị ảnh hưởng nặng bởi dòng suối Ea Krông Bông và Ea Toong chảy qua xã đã bị doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng không phép trang trại nuôi cá tầm ngay đầu nguồn. Họ lo ngại thức ăn dư thừa và phế thải từ việc nuôi cá tầm của doanh nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước.

Doanh nghiệp ngang nhiên ngăn chặn, thay đổi dòng chảy của con suối Ea Krông Bông để nuôi cá tầm khiến người dân bức xúc.
Doanh nghiệp ngang nhiên ngăn chặn, thay đổi dòng chảy của con suối Ea Krông Bông để nuôi cá tầm khiến người dân bức xúc.

Dòng suối bốc mùi tanh hôi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trang trại nuôi cá tầm được xây dựng trên khu đất nông nghiệp rộng 1,3 ha, ngay giữa 2 dòng suối Ea Krông Bông và Ea Toong thuộc buôn Hằng 5, xã Yang Mao, huyện Krông Bông. Công trình này do Cty cổ phần Yang Hanh - địa chỉ tại huyện Krông Bông, liên kết với Cty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn - địa chỉ tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, (Cty Yang Hanh) xây dựng từ khoảng tháng 8/2016. Trước đó, Cty Yang Hanh đã có tờ trình xin UBND huyện Krông Bông cho phép xây dựng trang trại nuôi cá nước lạnh tại đây nhưng chưa được chấp thuận. Mặc dù vậy, Cty Yang Hanh vẫn ngang nhiên xây dựng trang trại để nuôi cá tầm.

Đầu nguồn con suối Ea Krông Bông và Ea Toong chảy về hạ lưu, Cty Yang Hanh đã ngang nhiên đưa máy móc, nhân công đến đào bới, xây dựng đập tràn ngăn suối, và thi công nhiều hạng mục công trình phục vụ nuôi cá tầm làm thay đổi dòng chảy của suối. Để dẫn nước vào trang trại, Cty Yang Hanh đã đúc mương bê tông kiên cố dài khoảng 1km, cao khoảng 2m dẫn nước vào 24 hồ nuôi cá tầm (mỗi hồ có diện tích 200 m2 được xây dựng kiên cố) được doanh nghiệp hoàn thiện và đưa vào nuôi thả. Ngoài ra còn nhiều hồ nuôi khác đang được triển khai, mở rộng.

Trang trại nuôi cá tầm xả thải trực tiếp ra suối đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào nơi đây.
Trang trại nuôi cá tầm xả thải trực tiếp ra suối đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào nơi đây.

Theo quan sát của phóng viên, nước suối bị chặn dòng chính chảy vào mương dẫn đến các hồ nuôi, sau đó nước từ các hồ nuôi cá lại được xả trực tiếp ra 2 dòng suối Ea Krông Bông và Ea Toong mà không hề có hệ thống xử lý nước thải. Việc xả nước thải trực tiếp từ các hồ nuôi cá tầm khiến dòng suối bị ô nhiễm nặng, kèm theo những mùi hôi tanh khó chịu. Theo phản ảnh của bà con nơi đây, từ khi xuất hiện trang trại nuôi cá này, cuộc sống của họ bị sáo trộn, lo lắng, bồn chồn bởi dòng suối là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của đồng bào đang bị ô nhiễm. Một người dân chia sẻ: “Đồng bào chúng tôi lấy nước suối tắm, lấy nước về để nấu ăn hàng ngày. Con suối như người mẹ hiền, được đồng bào nâng niu, là nơi ngọn nguồn của cuộc sống của buôn. Nhưng nay, trang trại nuôi cá tầm trên đầu nguồn, làm ô nhiễm “con nước” buôn mình buồn lắm…”.

Theo quan niệm tâm linh của đồng bào tại chỗ (người M’nông và Ê Đê) dòng suối là nơi linh thiêng. Từ khi sơ khai dựng buôn, lập làng điều đầu tiên họ làm là tìm  bến nước, dòng suối. Bởi chính dòng nước là nơi tạo mạch nguồn cho sự sống. Không dưng mà cứ mỗi năm, đồng bào lại tổ chức nghi lễ cúng bến nước, để cầu cho mưa thuận gió hòa, con người có được sức khỏe, bình an…

Công trình đã được xây dựng xong đưa vào nuôi thả cá tầm.
Công trình đã được xây dựng xong đưa vào nuôi thả cá tầm.

Cán bộ bỏ lơ cho xây dựng không phép

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Cty cổ phần Yang Hanh và Cty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn hợp tác xây dựng trang trại nuôi cá tằm từ khoảng tháng 8/2016 và làm tờ trình xin UBND huyện Krông Bông cho phép xây dựng trang trại nuôi cá nước lạnh nhưng chưa được chấp thuận. Đến tháng 11-2016, hai Cty này chấm dứt hợp đồng liên kết. Trang trại nuôi cá tầm được ông Nguyễn Văn Toản (Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy hải sản Trường Toàn) mua lại và tiếp tục đầu tư xây dựng. Tiếp đó, ông Toản làm đơn xin UBND xã Yang Mao cho phép xây dựng mô hình trang trại nuôi cá tầm thương phẩm theo hình thức hộ cá thể, song không được đồng ý. Tuy nhiên, công trình vẫn tiếp tục được ông Toản cho thi công, hoàn thiện nhiều hạng mục đưa vào sử dụng như: kênh mương, hồ, ống dẫn nước vào hồ nuôi cá...

Điều đáng nói là trang trại nuôi các không có hệ thống xử lý nước thải đã làm cho nước suối ô nhiễm nặng bốc mùi hôi tanh, khiến người dân bức xúc, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trang trại này có nhiều sai phạm như: Xây dựng trang trại nuôi cá tầm trên vùng đất chưa được quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản; thiếu phương án bảo vệ môi trường; không có biện pháp phòng chống lũ, chưa có chủ trương, không được cấp phép…

Các công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại hiên ngang trước sự chỉ đạo của Huyện uỷ Krông Bông là phải tháo dỡ trả lại nguyên trạng.
Các công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại hiên ngang trước sự chỉ đạo của Huyện uỷ Krông Bông là phải tháo dỡ trả lại nguyên trạng.

Vấn đề nêu trên, ông Trần Văn Cả - Chủ nhiệm UBKT huyện ủy huyện Krông Bông cho biết: Sau khi sự việc xảy ra các cơ quan, ban ngành liên quan đã vào cuộc để xử lý. Theo đó, để xảy ra việc doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng trang trại nuôi cá tầm không phép nhưng lãnh đạo xã Yang Mao đã không có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Ban thường vụ huyện uỷ chỉ đạo, đối với tập thể Đảng ủy, UBND xã Yang Mao kiểm điểm rút kinh nghiệm. Riêng ông Trần Mậu Quyết - Bí thư Đảng ủy xã và ông Y Drai M’drang - Chủ tịch UBND xã, bị kỷ luật với hình thức khiển trách. “Quan điểm xử lý của lãnh đạo Ban thường vụ huyện Ủy là bắt buộc tháo dỡ để trả lại hiện trạng ban đầu. Việc xử lý phải được báo cáo cho UBND huyện trước 28/5/2017. Những bên liên quan không chấp hành, thì chờ chỉ đạo xử lý từ UBND huyện” ông Cả nói.

Đến hết tháng 6/2017 khi phóng viên tác nghiệp tại trang trại nuôi cá tầm do ông Nguyễn Văn Toản làm chủ thì hiện trường vẫn nguyên vẹn thậm chí còn có những hồ nuôi được xây dựng thêm. Như vậy văn bản chỉ đạo của huyện Ủy Krông Bông đang bị cấp dưới và người vi phạm bỏ lơ./.

Bài & ảnh: Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Để xây dựng không phép, Bí thư và Chủ tịch xã bị kỷ luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO