Đắk Lắk buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản

15/07/2017 00:00

(TN&MT) – Điều này được chỉ ra với quá nhiều tồn tại, bất cập, lỗ hổng tại báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản của HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9, được thông qua và thảo luận tại kỳ họp thứ 4 vừa qua.

Nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập

Công tác quy hoạch, quản lý khoáng sản chậm được triển khai; việc quản lý khai thác chưa chặt chẽ, còn nhiều thiếu sót; quản lý hoạt động của doanh nghiệp về khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập; quản lý môi trường trong khai thác khoáng sản chưa được coi trọng; sự đóng góp của doanh nghiệp có khai thác khoáng sản còn hạn chế; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ nên hiệu quả quản lý chưa cao.

HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9, kỳ họp thứ 4 thảo luận về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Thực trạng quản lý khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập đã làm nóng nghị trường kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX.

Chính những hạn chế, tồn tại, yếu kém này đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong quản lý khai thác khoáng sản gây bức xúc trong nhân dân, làm lãng phí tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và thất thu cho ngân sách nhà nước.

cát
 Nạn khai thác cát xây dựng gần bờ gây sạt lở bờ sống.

Xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ rõ: Công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản chưa được đầu tư thực hiện đúng mức, chủ yếu do doanh nghiệp tự thực hiện. Do đó đã cho ra những kết quả thiếu chính xác dẫn đến thực trạng cấp phép khai thác chưa phù hợp với thực tế.

Có những vị trí không có khoáng sản vẫn được cấp phép khai thác như: khu vực sông Krông Ana cách cầu Giang Sơn khoảng 6km tại huyện Cư Kuin lòng sông không có cát vẫn được cấp phép khai thác đã dẫn đến tình trạng tầu, xà lan của đơn vị được cấp phép hút cát gần bờ làm sạt lở nghiêm trọng nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp gây bức xúc cho người dân địa phương. Hay một số mỏ đá xây dựng được cấp phép khai thác gần khu dân cư, gần bờ đập công trình thủy lợi, hoạt động nổ mình khai thác đá của doanh nghiệp đã ảnh hưởng trực tiếp đến công trình thủy lợi, cuộc sống của người dân, gây nứt nhà cửa, gây ô nhiễm môi trường cả về tiếng ồn, lẫn khói bụi khiến dư luận rất bất bình như: thị trấn Ea H’leo, huyện Ea H’leo, xã Ea Kpan huyện cư Mgar…

Lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường.

Việc quản lý của các ngành, các cấp còn chồng chéo gián đoạn đã tạo kẽ hở trong quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản. Từ đó, các doanh nghiệp đã không tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản như: Kê khai sản lượng khai thác không đúng theo giấy phép, không đúng thực tế; không tuân thủ theo dụ án, thiết kế; không có báo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc có nhưng không tuân thủ, không có biện pháp xử lý. Vẫn còn khai thác không có giấy phép, khai thác lậu hoặc lợi dụng khai thác thăm dò để khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên. Tình trạng doanh nghiệp được cấp phép một nơi, khai thác một nẻo, bãi tập kết và nơi khai thác khác nhau đã dẫn đến tình trạng khai thác lậu, khai thác không đúng mỏ được cấp phép diễn ra phổ biến, nhất là khai thác cát trên các dòng sông.

Đá
tình trạng khai thác đá lậu diễn ra giữa ban ngày tại huyện Krông bông trong thời gian dài.

Đặc biệt việc thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường là rất thấp. Tính đến hết năm 2016, tiền ký quỹ phục hồi môi trường của Đắk Lắk chỉ thu được 6,5 tỷ đồng, trong khi đó việc hoàn thổ, phục hồi môi trường phải mất nguồn kinh phí rất lớn.

Đơn cử như mỏ đá tại Ea Na tại huyện Krông Ana do công ty TNHH Lâm Phong khai thác đã bị dừng do giấy phép hết hạn, nhưng chưa được hoàn thổ khôi phục lại môi trường. Số tiền ký quỹ phục hồi môi trường thu được của công ty này là 97 triệu đồng. UBND huyện Krông Ana báo cáo số tiền này không đủ để hoàn thổ khôi phục môi trường tại vùng mỏ. Hay công ty TNHH MTV xây dựng công trình 507 đã không có phương án hoàn thổ theo cam kết tại mỏ đá thuộc huyện Lắk…

Khó khăn hơn là nạn khai thác sét tại huyện Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin, Krông Pắc… làm ngạch, ngói nung không theo quy hoạch, khai thác bừa bãi đã tạo nên những cánh đồng không bằng phẳng, để lại địa hình trũng ngập úng nặng không thể sản xuất. Nạn khai thác cát gần bờ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông mất đất sản xuất nông nghiệp chậm được ngăn chặn, đã tác động xấu đến môi trường và dư luận không tốt trên vùng khai thác khoáng sản.

Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phản ánh về công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. 

Đình Thắng

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO