Đài KTTV Tây Bắc chủ động cảnh báo để hành động sớm

Nguyễn Nga (thực hiện)| 07/04/2022 09:18

(TN&MT) - Năm 2022, khu vực Tây Bắc được dự báo sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm, đặc biệt là mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất tại các khu vực có địa hình dốc và thảm phủ thực vật yếu. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tiếp tục được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai.

Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Thanh Long - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc.

PV: Xin ông cho biết hiện trạng mạng lưới trạm quan trắc KTTV hiện nay và nhiệm vụ chính Đài KTTV Tây Bắc đang triển khai?

Ông Vũ Thanh Long:

Đài KTTV khu vực Tây Bắc hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình, với mạng lưới trạm gồm 22 trạm Khí tượng, 15 trạm Thủy văn cơ bản, 7 trạm Quan trắc môi trường nước mưa, nước sông hồ, 1 trạm Rada thời tiết, 1 trạm Thám không vô tuyến, 2 trạm Bức xạ, 1 trạm Giám sát khí hậu và hệ thống 88 trạm Đo mưa, 6 trạm Thủy văn tự động. Đài còn khai thác số liệu của gần 100 trạm đo mưa tự động phục vụ phòng chống thiên tai của các địa phương và trạm đo mưa dùng riêng của các Nhà máy thủy điện.

a1-2-.jpg
ông Vũ Thanh Long - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc.

Hiện nay, Đài KTTV Tây Bắc đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, khai thác mạng lưới trạm KTTV, môi trường, quan trắc định vị sét, giám sát biến đổi khí hậu khu vực Tây Bắc; thiết lập, vận hành, khai thác hệ thống dự báo, cảnh báo KTTV quốc gia ở cấp khu vực và tỉnh; dự báo, cảnh báo KTTV, thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai; ban hành, truyền phát các bản tin dự báo, cảnh báo chi tiết cho khu vực các tỉnh Tây Bắc…

PV: Cảnh báo sớm để hành động sớm - Đài KTTV Tây Bắc đã và đang triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Thanh Long:

Đài KTTV khu vực Tây Bắc luôn bám sát chỉ đạo của Tổng cục KTTV để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quan trắc, dự báo, thông tin KTTV. Đài đã triển khai công tác cảnh báo sớm các thiên tai KTTV nguy hiểm như: Dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2 - 3 ngày; cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2 - 3 giờ; cảnh báo nắng nóng, không khí lạnh trước 5 - 7 ngày. Các bản tin dự báo tháng, mùa cũng được chi tiết đến huyện và dự báo cụ thể nhiệt độ, mưa theo các thời kỳ. Bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp huyện. Ngoài ra, đã ban hành các bản tin chuyên đề phục vụ các dịp nghỉ lễ, Tết, tổ chức các hoạt động quan trọng theo yêu cầu của các ban, ngành tại địa phương.

Cùng với đó, chủ động, tích cực phối hợp thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án của ngành KTTV về thu thập số liệu KTTV tự động thời gian thực, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, kết hợp việc lồng ghép các số liệu của các ngành kinh tế - xã hội, thông tin địa lý để áp dụng hiệu quả và từng bước xây dựng các phương án, mô hình chuyển từ dự báo, cảnh báo thiên tai sang dự báo tác động của thời tiết, thiên tai đến dân sinh và kinh tế - xã hội.

Thực hiện đa đạng hóa thông tin với các bản tin chuyên đề phục vụ các đối tượng sử dụng, đối tượng chịu tác động khác nhau; các hình thức truyền tin đa dạng hơn trên các nền tảng truyền thông, mạng xã hội... giúp thông tin đến với khu vực, đối tượng chịu tác động nhanh hơn, chủ động hơn, dễ hiểu và dễ sử dụng hơn.

PV: Nhìn lại khoảng 5 năm về trước, theo ông, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có những bước phát triển như thế nào? Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả giám sát, dự báo, cảnh báo KTTV?

Ông Vũ Thanh Long:

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã có những bước phát triển mạnh mẽ so với 5 năm trước. Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV đã ban hành các văn bản, quy định mới trong công tác dự báo, cảnh báo để nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo KTTV, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nội dung, hình thức các bản tin có nhiều thay đổi, thông tin dự báo chi tiết tới cấp huyện và thời gian dài hơn.

a4-1-.jpg

Triển khai hiệu quả nhiệm vụ Cảnh báo sớm để hành động sớm.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo KTTV được quan tâm đầu tư và hiện đại hóa. Mạng lưới quan trắc KTTV đã và đang được nâng cấp hiện đại, đồng bộ; chuyển dần từ đo thủ công sang tự động, đan dày các trạm quan trắc ở vùng núi, vùng sâu đảm bảo cung cấp số liệu phục vụ kịp thời cho công tác giám sát các hiện tượng KTTV. Các sản phẩm dự báo số trị được cập nhật 6 - 12 tiếng/lần, ảnh mây vệ tinh và ra đa cập nhật 10 phút/lần, hỗ trợ tích cực trong việc theo dõi chặt chẽ diễn biến các hệ thống thời tiết. Các trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo KTTV cũng được đầu tư tương đối hiện đại, đa dạng, từng bước hoàn thiện dự báo không giấy.                      

PV: Dự báo thời tiết và tình hình thiên tai năm 2022 tại khu vực Tây Bắc sẽ diễn biến ra sao? Ông có kiến nghị gì với chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả PCTT thời gian tới?

Ông Vũ Thanh Long:

Năm 2022, khu vực Tây Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của 2 - 4 cơn bão và ATNĐ, gây ra các đợt mưa lớn diện rộng. Từ nay đến đầu tháng 5 là thời kỳ chuyển mùa, các hiện tượng dông lốc, sét, mưa đá, gió mạnh, mưa lớn cục bộ có khả năng xảy ra trên toàn khu vực. Trên sông Mã, dự báo xuất hiện từ 2 - 4 trận lũ, mực nước cao nhất ở mức báo động II. Trên các sông suối nội tỉnh, có khả năng xuất hiện từ 3 - 5 trận lũ, mực nước cao nhất ở mức báo động III.

Thiên tai luôn biến động và khó lường, do đó, để nâng cao hiệu quả PCTT cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương. Cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh phương án để chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về những tác động, ảnh hưởng của BĐKH, đi cùng các giải pháp phòng, tránh phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đài KTTV Tây Bắc chủ động cảnh báo để hành động sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO