Đài KTTV Bắc Trung Bộ nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo

Tin và ảnh: Thanh Tùng| 19/04/2021 06:21

(TN&MT) - Ngày 18/4, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông TN&MT tổ chức chuyến đi thực tế cho các cơ quan báo chí khảo sát mạng lưới trạm KTTV, hải văn phục vụ công tác phòng chống thiên tai tại Đài KTTV Bắc Trung Bộ.

Đoàn công tác làm việc với Đài KTTV Bắc Trung Bộ

Tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đài KTTV Bắc Trung Bộ. Tham dự cuộc làm việc có Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ Nguyễn Văn Lượng; các Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ: Nguyễn Xuân Tiến, Lê Đức Cơ; đại diện Tổng cục KTTV, Trung tâm Truyền thông TN&MT và các phóng viên đến từ 21 cơ quan báo chí Trung ương.

Khu vực chịu nhiều tác động thiên tai

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Đài cho biết, Đài KTTV Bắc Trung Bộ được thành lập tháng 12/1994 trên cơ sở hợp nhất Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa và Đài KTTV liên tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, với địa bàn quản lý gồm 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Với phương châm hoạt động “phục vụ phải kết hợp với công tác tuyên truyền về công tác phòng chống thiên tai”, trong nhiều năm qua, viên chức làm công tác dự báo phục vụ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác dự báo KTTV, phối hợp chặt chẽ với hệ thống các cơ quan truyền thông đại chúng từ Trung ương đến địa phương, thông tin nhanh về diễn biến KTTV hàng ngày, tin bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ, rét đậm, rét hại, nắng nóng, khô hạn... xảy ra trên khu vực. Công tác thu thập thông tin KTTV được cập nhật đầy đủ và chính xác, phục vụ tốt công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến phát biểu tại buổi làm việc

Theo ông Nguyễn Xuân Tiến, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn khu vực, có 60 cơn bão và 23 ATNĐ hoạt động trên biển Đông. Trong đó, có khoảng 19 cơn bão và 4 ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, năm 2017 là năm kỷ lục về số lượng bão xuất hiện trên Biển Đông (16 cơn bão, 4 ATNĐ), trong đó có 3 cơn bão và 1 ATNĐ ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ - tính bất thường và khốc liệt của hoạt động bão năm 2017 được ghi nhận là do hiện tượng La-nina và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, năm 2015, được ghi nhận là năm có ít cơn bão hoạt động trên Biển Đông nhất trong vòng 5 năm qua (5 cơn bão, 2 ATNĐ), trong đó có 2 cơn bão ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ - do hiện tượng El-nino mạnh.

Có 138 đợt không khí lạnh (KKL) và gió mùa đông bắc, trong đó năm 2020 ghi nhận số đợt KKL nhiều nhất với 31 đợt, cao gấp rưỡi so với các năm khác. Đặc biệt, đợt KKL tăng cường mạnh ngày 22/1/2016, sau liên tục được bổ sung, đã gây ra đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 23 - 29/1/2016. Từ ngày 24 - 26/1/2016, trời rét hại với nhiệt độ không khí trung bình ngày phổ biến 6.5 - 8.5 0C. Một số nơi nhiệt độ tối thấp tuyệt đối thấp hơn số liệu lịch sử (SLLS) như: Sầm Sơn 5.50C (SLLS 6.10C vào ngày 24/12/1999); Hòn Ngư: 6.10C (SLLS 6.9 vào ngày 22/01/1983); Hà Tĩnh: 6.50C (SLLS 6.8 vào ngày 28/12/1982); Kỳ Anh: 6.00C (SLLS 6.9 vào ngày 14/12/1975.

Ông Nguyễn Xuân Tiến cũng cho biết từ 2015 đến nay có 61 đợt mưa vừa mưa to. Đặc biệt, đợt mưa lớn ngày 14 - 16/10/2019, đã có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Tổng lượng mưa ở trung du và miền núi phổ biến: 50 - 120mm; Vùng ven biển phổ biến: 250 - 450mm, đặc biệt tại TP Vinh tổng lượng mưa 3 ngày (14 - 16/10): 976mm, riêng ngày 16/10, đo được 700,1mm, vượt số liệu lịch sử (SLLS: 596.7mm ngày 11/10/1989).

Ngoài ra, trong khoảng thời gian trên, khu vực có 59 đợt nắng nóng. Đáng chú ý là đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 4 - 30/6/2019 với nhiệt độ tối cao tuyệt đối đợt phổ biến: 38.5 - 41.5 độ C, đỉnh điểm nắng nóng vào ngày 22/6 một số nơi cao hơn 42.0 độ C. Một số nơi đã vượt số liệu lịch sử như: Quỳ Hợp: 43.0 độ C vượt: 0.4 độ C (vượt SLLS ngày 30/5/2015: 42.6 độ C). Con Cuông: 43.3 độ C vượt: 0.8 độ C (vượt SLLS ngày 30/5/2015: 42.5 độC). Tương Dương: 42.8 độ C vượt: 0.1 độ C (vượt SLLS ngày 12/5/1996: 42.7 độ C).

Các đại biểu tham dự buổi làm việc

115 trận mưa đá, lốc sét, lũ quét, sạt lở đất.... làm nhiều người thương vong, gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu, giao thông. (Trong đó, năm 2019 ghi nhận 30 trận mưa đá, lốc sét... cao gấp đôi, gấp rưỡi so với các năm khác)

Trên sông Ngàn Sâu, lũ lớn xảy ra vào các năm 1983, 2002, 2007, 2010 (lũ lịch sử), 2013. Đợt mưa, lũ lớn từ ngày 30/7 đến 4/8/2019 đã gây lũ quét và sạt lở đất đá xảy ra tại các huyện Quan Sơn và Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Kịp thời đưa ra các bản tin dự báo

Phó Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến cũng cho biết, trong những năm qua, Đài đã thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn trên khu vực, kịp thời ra các bản tin dự báo, cảnh báo cho địa phương phục vụ cho công tác PCTT và phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, riêng trong năm 2020, mưa lũ đã gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong tháng 10. Tuy nhiên, Phòng Dự báo KTTV đã phối hợp với 2 Đài tỉnh thường trực 24/24 và đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo sát với thực tế; bám sát tình hình thời tiết, thủy văn và thường xuyên cung cấp thông tin cũng như số liệu cho các đơn vị truyền thông, Ban PCTT của tỉnh... Cụ thể, đã thực hiện dự báo, cảnh báo kịp thời 14 cơn bão, 1 ATNĐ và 1 vùng áp thấp, trong đó, có 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực; 28 đợt không khí lạnh, trong đó, có 3 đợt không khí lạnh gây ra rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, trong đó, có 5 đợt nắng nóng diện rộng; 23 trận dông, tố, lốc, mưa đá và 7 đợt mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân trong khu vực.

Các bản tin đã ban hành kịp thời phục vụ cho công tác PCTT và giảm nhẹ thiệt hại trên khu vực. Đài đã chuyển đầy đủ các bản tin đến các địa chỉ theo quy định: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở TN&MT, Đài PT&TH tỉnh, Báo Nghệ An. Đài đã chuyển các bản tin đến UBND các huyện và đưa lên trang Website của Đài. Các bản tin dự báo KTTV đã góp phần tốt trong công tác PCTT và TKCN của tỉnh.

Chất lượng các bản tin dự báo đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, dự báo khí tượng hạn ngắn hàng năm đều vượt từ 1.7% đến 4.7%; dự báo khí tượng hạn vừa vượt từ 2.4% đến 9.7%; dự báo thủy văn hạn ngắn vượt từ 9.3% đến 17.6%; dự báo thủy văn hạn vừa vượt từ 6.7% đến 20%.

Không những vậy, trong những năm qua, công tác phục vụ KTTV ở địa phương được Đài hết sức coi trọng. Đài khu vực và các Đài KTTV tỉnh đã luôn bám sát các yêu cầu phục vụ của địa phương. Cung cấp đầy đủ các bản tin dự báo thời tiết, thủy văn hàng ngày, các bản tin cảnh báo hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm (qua đường fax, thư điện tử, điện thoại...) cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tỉnh, Đài Phát thanh Truyền hình Tỉnh, Báo, Sở TN&MT Tỉnh và các đơn vị liên quan để các cấp các ngành chủ động chỉ đạo có hiệu quả, bên cạnh đó thông tin nhanh để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Giám đốc Đài KTTV Bắc Trung Bộ Nguyễn Văn Lượng phát biểu tài buổi làm việc

Nói về những khó khăn Đài KTTV Bắc Trung Bộ đang phải đối mặt, ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Đài cho biết, khó khăn nhất của Đài hiện tại là giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện mức thu nhập còn thấp, đặc biệt là nhân lực giỏi công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, chúng ta đang tập trung việc phát triển các trạm theo hướng tự động hóa số, trong khi chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Ông Nguyễn Văn Lượng mong muốn, lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV quan tâm hỗ trợ Đài giải quyết những khó khăn trên.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đài KTTV Bắc Trung Bộ và Tổng cục KTTV đã trả lời nhiều vấn đề mà các nhà báo quan tâm.

Đoàn đến thăm trạm Rađa thời tiết Vinh

Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thực tế tại trạm Rađa thời tiết Vinh, trực thuộc Đài KTTV Bắc Trung Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đài KTTV Bắc Trung Bộ nâng cao hiệu quả dự báo, cảnh báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO