PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết, việc nâng cao chất lượng đào tạo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường, do vậy, sau khi được công nhận trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục năm 2018, Nhà trường đã triển khai ngay công tác tự đánh giá các chương trình đào tạo (CTĐT), nhằm không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo của Nhà trường. Đối với các CTĐT, Nhà trường đã triển khai kiểm định và được công nhận 6 CTĐT trong năm 2020 và đầu năm 2021.
Theo PGS.TS. Hoàng Anh Huy, Nhà trường ý thức rất rõ việc thực hiện đánh giá ngoài các CTĐT có ý nghĩa lớn: thể hiện sự khách quan, cái nhìn đa chiều, toàn diện về CTĐT từ xây dựng chương trình, đội ngũ giảng viên, công tác nghiên cứu khoa học, cơ sở vật chất cũng như quy trình thực tập thực tế cho sinh viên. Từ đó, các Khoa và Nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục, hoàn thiện những vấn đề còn chưa hợp lý, với mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng đầu ra, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của ngành TN&MT, của xã hội, qua đó, khẳng định thương hiệu đào tạo của 3 ngành này.
TS. Tạ Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu trực tuyến tại lễ khai mạc |
TS. Tạ Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn, các thầy cô, các em sinh viên của 3 CTĐT luôn chia sẻ với đoàn đánh giá ngoài; đồng thời, không ngần ngại trao đổi các vấn đề về chuyên môn, nhìn thẳng vào thực trạng chất lượng và mong muốn cải tiến chất lượng để có thể khẳng định được uy tín, thương hiệu và trách nhiệm của Trường Đại học TN&MT Hà Nội trước toàn xã hội.
TS. Tạ Thị Thu Hiền cho rằng, đợt đánh giá lần này có điểm nhấn khác biệt so với 3 đợt đánh giá lần trước. Đó là Nhà trường đã tiên phong số hóa toàn bộ hồ sơ minh chứng và sẽ chuyển giao lại cho các CĐĐT tiếp theo những giá trị cốt lõi và những cách thức lưu trữ hồ sơ minh chứng. Đặc biệt, trong đợt đánh giá này, tất cả các phiên phỏng vấn khi làm việc với các bên liên quan được tiến hành trực tuyến nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đáp ứng đầy đủ các quy trình, quy định của Bộ GD&ĐT, nhưng không bỏ sót khâu nào.
TS. Nguyễn Hoản, Trưởng Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường trình bày về CTĐT ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành |
Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục nhận thấy sự thay đổi trong từng đợt kiểm định giáo dục chất lượng của Nhà trường. “Hiện nay, Nhà trường không còn ở trong giai đoạn hình thành văn hóa chất lượng, đã chuyển sang giai đoạn xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng ở trong trường”, TS. Tạ Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Ngay sau lễ khai mạc là phần trình bày về các CTĐT được đánh giá trong đợt này. Theo TS. Nguyễn Hoản, Trưởng Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, điểm mạnh của CTĐT ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là mục tiêu của CTĐT đã xác định rõ ràng các hướng đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Ngoài ra, chuẩn đầu ra của CTĐT phản ánh được yêu cầu của các bên liên quan; bản mô tả CTĐT, đề cương chi tiết các học phần trong CTĐT đầy đủ thông tin và được cập nhật. Hơn nữa, cấu trúc và nội dung của CTĐT được xây dựng theo đúng quy định và dựa trên chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm với bản thân và nghề nghiệp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
TS. Nguyễn Hoản cho rằng, việc đánh giá ngoài CTĐT ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành giúp Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường nói chung và ngành nói riêng nhận ra được những điểm mạnh, điểm tồn tại và lập ra các kế hoạch khắc phục cụ thể có tính khả thi.
Theo PGS.TS. Hoàng Anh Huy, 3 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài lần này là những ngành truyền thống và có thế mạnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TN&MT và cho xã hội. Kết quả tự đánh giá là thành quả nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn trường; góp phần nâng cao nhận thức về công tác đảm bảo chất lượng của cán bộ, giảng viên và là đòn bẩy quan trọng giúp Nhà trường cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện thành công sứ mạng và mục tiêu đã đề ra.