Đại biểu đề nghị cần quan tâm các vấn đề nóng về tài nguyên và môi trường

Khương Trung| 26/07/2021 11:29

(TN&MT) - Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại về tài nguyên môi trường, tránh đổ lỗi cho thiên nhiên.

Quốc hội đã dành một ngày (25/7) để các đại biểu thảo luận toàn thể tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025. Các đại biểu đều tán thành và thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Các đại biểu đều nhận định, năm 2021 là năm bản lề khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế - xã hội nước ta, được mở đầu bằng sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một sự kiện chính trị trọng đại, từ đây những chủ trương, đường lối, nhiệm vụ, giải pháp được đại hội đề ra sẽ tạo tiền đề cho những thắng lợi trong quá trình đẩy mạnh công cuộc đổi mới. 

Tuy vậy, bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, chúng ta đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và trong nước. Đó là kinh tế - xã hội phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. 

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Các đại biểu nhất trí về các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra, đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm một số vấn đề nóng về môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn TP. Hà Nội) lưu ý về mối quan hệ giữa các kế hoạch trung hạn với phát triển bền vững. “Tất cả chúng ta đều chưa quên tại hội trường này, của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận sôi động về hậu quả của thiên tai, bão lũ. Chúng ta cũng chưa quên những mất mát không tính được bằng tiền, đó là thiệt hại về tính mạng, những ảnh hưởng tới môi trường mà hàng trăm năm sau cũng chưa dễ khắc phục được.” - Đại biểu Lưu Thị Mai nhắc lại.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Bà Mai cho biết, trong các báo cáo của Chính phủ vẫn đề ra những kế hoạch những ngành kinh tế quan trọng, trong đó, có những ngành như: thủy điện, khai khoáng, vật liệu xây dựng... Hay tới đây, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, sẽ có 4.479 dự án, đó là điều hoàn toàn đúng đắn trong lộ trình phát triển đất nước.

Tuy vậy, bà Mai cũng lo ngại, những kế hoạch, chương trình này ở các mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường. Để giảm thiểu tất cả những tác động tiêu cực, bà Mai kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo tất cả các Bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả những tác động môi trường và đề cao tính thực chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh hời hợt hình thức. Cùng với đó, cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.

Đồng tình với những ý kiến của Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), cho biết, bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu hiện nay đang ảnh hưởng rất nặng nề tới các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng biển vào vùng đặc quyền kinh tế, gây ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế biển.

Đại biểu Tô Ái Vang cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 700km bờ biển và trên 360.000 km vuông vùng biển vào vùng đặc quyền kinh tế, có nhiều tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển. Tuy vậy, hiện nay, tài nguyên biển đang có nhiều thách thức như: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, chưa quan tâm đúng mức về phát triển nguồn nhân lực biển để trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển, nhằm khai thác, phát triển kinh tế biển, mở ra không gian phát triển mới cho Đồng bằng sông Cửu Long để khu vực này thực sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Do đó, Đại biểu kiến nghị đến Chính phủ xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông đường vành đai ven biển, vừa phát triển kinh tế biển vừa đảm bảo thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề an ninh nguồn nước. Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, đây vấn đề luôn nóng hổi, cấp thiết liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu người dân miền Trung Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc, nó gắn liền với phòng, chống thiên tai, lũ bão. Đó là vấn đề giữ được rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, vấn đề an toàn hồ, đập trữ nước... 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk)

Đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cùng với việc thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tại các đô thị, nông thôn, rừng tập trung do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Còn Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cho rằng, vấn đề phát triển đô thị và kinh tế đô thị hiện nay rất lớn, tuy vậy, đi cùng đó là sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Dẫn đến chất lượng quy hoạch có lúc, có nơi còn thấp, năng lực hệ thống hạ tầng đô thị, nhất là về giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải chưa theo kịp được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị… 

Do đó, đại biểu đề nghị trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã và đang triển khai xây dựng Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong xu thế rõ ràng của biến đổi khí hậu hàng năm ngày càng mạnh mẽ. Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng tập trung nguồn lực nghiên cứu, hoàn thiện Đề án để có cơ sở trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ, chất lượng phù hợp với bối cảnh của nước ta, giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở để triển khai.

Trước những ý kiến tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban Thư ký kỳ họp ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan liên quan của Chính phủ phối hợp để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết và trình Quốc hội xem xét thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu đề nghị cần quan tâm các vấn đề nóng về tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO