Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy tiếp xúc cử tri tại Yên Bái
(TN&MT) - Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 6/10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XV tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng các Đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Yên Bái đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Cùng tham dự buổi tiếp xúc có các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH): Nguyễn Thành Trung – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội; Triệu Thị Huyền - Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khoá XV. Hội nghị nhằm để Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri có: Ông Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái; bà Hoàng Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cùng đại biểu là các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Yên Bái…
Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 dự án luật và 2 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 8
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội thông tin đến cử tri về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11/2024, kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024) theo hình thức họp trực tiếp tại Hà Nội.
Hội nghị sẽ tập trung bàn về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 16 luật, 02 nghị quyết trong đó có những dự án Luật quan trọng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ… Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ nghe và xem xét cho ý kiến 12 dự án luật mới.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội và các ĐBQH cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đây cũng là kỳ họp dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay.
Sau khi nghe đại biểu Nguyễn Thành Trung - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội thông tin đến cử tri về chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri Yên Bái đánh giá cao nội dung chương trình Kỳ họp và mong muốn các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái sẽ có nhiều ý kiến quan trọng cho Quốc hội.
Kiến nghị các giải pháp để phục hồi kinh tế - xã hội
Tại Hội nghị, cử tri các đơn vị như Thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên, Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Trạm Tấu có ý kiến nhiều ý kiến với Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ để doanh nghiệp, Hợp tác xã phục hồi sau cơn bão số 3 nói riêng và các chương trình phát triển kinh tế lâu dài tại địa phương như: tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tu sửa và tái thiết lại hoạt động sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của bão số 3 (xây dựng lại nhà xưởng, thiết bị bị trôi, ngập gây hư hỏng); hiện nay cách tính thuế sử dụng đất của các doanh nghiệp ở khu công nghiệp và cụm công nghiệp đang tính bằng mức thuế của các hộ gia đình, cử tri đề nghị các ngành chức năng của tỉnh xem xét điều chỉnh.
Có ý kiến đề nghị ngành điện nghiên cứu, xem xét, tham mưu cho Chính phủ có cơ chế giá đặc thù và thấp hơn giá bình quân cả nước cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cắt giảm chi phí, giá thành sản xuất sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Cử tri cũng kiến nghị để tháo gỡ khó khăn trên cho huyện miền núi trong việc phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2025-2030, đề nghị Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các bộ ngành Trung ương nghiên cứu để ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đối với việc thành lập mới các cụm công nghiệp; kiến nghị với các cơ quan chức năng quan tâm tới việc phát triển vùng nguyên liệu quế, đồng thời nghiên cứu xây dựng hệ thống logistic để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến quế phát triển.
Cũng có ý kiến đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị các cấp có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn nghiên cứu đầu tư thiết bị cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cho các khu dân cư có nguy cơ cao để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân khu vực miền núi…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã thông tin nhanh đến đại biểu, cử tri về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ đầu năm đến nay; công tác chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3. Đặc biệt cơn bão số 3 gây ngập lụt, sạt lở đất khiến Yên Bái thiệt hại hơn 6000 tỷ đồng, 54 người chết, làm hỏng hơn 7000 ha diện tích nông nghiệp, phá huỷ các hệ thống giao thông, thuỷ lợi, ô nhiễm nguồn nước…
Đến thời điểm này, với sự quan tâm từ các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cùng sự nỗ lực ở chính quyền các cấp của Yên Bái đã khắc phục tạm thời hậu quả do cơn bão gây ra, từng bước tái thiết và ổn định cuộc sống, thực hiện các chính sách an sinh xã hội để động viên nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, động viên của các tổ chức, nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chung tay, đoàn kết cùng với chính quyền cấp uỷ các cấp của Yên Bái trong thời gian vừa qua ứng phó với cơn bão số 3 gây ra.
Đối với các ý kiến kiến nghị về các nhóm chính sách, ông Phước cho biết, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, UBND tỉnh sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đưa ra các chính sách kịp thời trên cơ sở sẽ đảm bảo quyền lợi của công đoàn viên chức, người lao động ở mức cao nhất. Bên cạnh đó tập trung nguồn lực để vừa phát triển hạ tầng kết nối giao thông, vừa có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có được sự thuận lợi để tập trung kinh doanh sản xuất.
Thực hiện các chủ trương, chính sách đảm an sinh xã hội cho người dân
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ này, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng như giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới theo tinh thần nâng cao chất lượng hoạt động. Theo đó, ngoài việc tiếp xúc cử tri thông thường thì Đoàn tăng cường tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề theo các nhóm, ngành, lĩnh vực.
Đây là lần thứ 2, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với các cử tri, đại diện cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh với mong muốn được lắng nghe, báo cáo tiếp thu giải trình những vấn đề mà doanh nghiệp, HTX đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách hỗ trợ, về tiếp cận đất đai, thuế… đang không phù hợp gây khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX sớm phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19, nhất là sau ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin nhanh tới đông đảo cử tri tỉnh Yên Bái kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và tình hình thế giới trong 9 tháng năm 2024, theo đó: Mặc dù có nhiều khó khăn do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tại một số quốc gia, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và thiếu vững chắc. Cùng với đó, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, hạ tầng kinh tế – xã hội và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ở các tỉnh phía Bắc.
Tuy nhiên, bằng sức mạnh nội tại và sự linh hoạt trong điều tiết chính sách… nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng, ổn định và có những điểm sáng. Trong đó, tăng trưởng GDP Quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đưa ra là 6,7%. Đóng góp vào kết quả đó có một số địa phương đưa tốc độ tăng trưởng cao như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Hà Nam (10,89%)… Bên cạnh đó, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), và đặc biệt là Yên Bái đạt (7,15%)…
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, những kết quả đó đã thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, cũng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các nghị quyết, mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XV tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng đã ghi nhận, trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung mà cử tri quan tâm, phản ánh tại Hội nghị, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của tỉnh tháo gỡ các kiến nghị của cử tri về chính sách liên quan đến thuế, phí, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; về đất đai, tài nguyên môi trường, về cơ sở hạ tầng cùng những kiến nghị về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị chính quyền các cấp của Yên Bái bám sát các Chính sách, Nghị quyết, Chương trình hành động của Quốc gia, của địa phương để chủ động tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động nhằm giảm bớt khó khăn, hướng tới mục tiêu xuyên suốt là chăm lo đời sống an sinh xã hội, quan tâm tới đồng bào người dân tộc thiểu số, người yếu thế…
Đối với một số ý kiến thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp để gửi đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định.