Văn hóa

Đặc sắc Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm năm 2024

Anh Dũng 28/03/2024 - 15:28

Sáng 28/3 (tức 19/2 Âm lịch), tại chùa Quán Thế Âm diễn ra Lễ chính thức (Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm năm 2024 với sự tham gia của hàng ngàn chư tôn đức tăng ni, người dân và du khách thập phương.

h1.jpg
Hàng ngàn tăng ni, Phật tử, người dân và du khách thập phương đã tập trung gần khu vực đài sen của chùa Quán Thế Âm để tham dự Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm sáng ngày 28/3 (tức 19/2 Âm lịch)

Lễ hội Quán Thế Âm có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy của đạo Phật nhằm tôn vinh lòng độ lượng, bao dung, từ bi, hỷ xả của Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát. Hình tượng Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát gắn với cộng đồng các dân tộc theo Phật trên thế giới như hiện thân của đức cứu nạn, cứu khổ.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, ngày nay Lễ hội Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng trở thành một trong những lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương.

h2.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu tại lễ chính thức

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những sự kiện văn hóa - lễ hội điểm nhấn của Đà Nẵng. Cùng với di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, hệ thống Ma nhai trong các hang động, Lễ hội Quán Thế Âm là những giá trị về tinh thần quý giá và là niềm tự hào của người dân thành phố Đà Nẵng.

Bên cạnh việc tôn vinh những giá trị văn hóa lịch sử địa phương, thể hiện tinh thần dân tộc, sự hòa hợp giữa đạo pháp với dân tộc, Lễ hội Quán Thế Âm còn là cầu nối, nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt sâu sắc, truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam và các nước có nền văn hóa Phật giáo tương đồng.

h3.jpg
Nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm

Phó Chủ tịch UBND thành phố mong muốn nhận được sự đồng lòng, chung sức của quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni, tín đồ Phật giáo, toàn thể đồng bào để cùng tạo không gian lễ hội trang trọng, văn minh. Lễ hội truyền thống chỉ thật sự có sức sống, có linh hồn khi có được sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.

Tại buổi lễ, các đại biểu thực hiện nghi thức thả bong bóng hòa bình. Đồng thời, thực hiện các nghi thức truyền thống thể hiện thông điệp về tình thương yêu, hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm, cầu nguyện cho đất nước luôn được hòa bình ấm no, nhân dân an lạc, hạnh phúc.

h4.jpg
Hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm

Lễ hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm được thực hiện song song với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm. Đây là phần lễ được người dân và du khách mong chờ nhất. Việc hóa trang Bồ tát Quán Thế Âm tại lễ hội nhằm ngụ ý Bồ tát luôn đồng hành với chúng sinh mọi lúc mọi nơi, đem hạnh nguyện từ bi, ban vui cứu khổ của mình tỏa khắp nhân loại.

Ngoài việc hóa trang Quán Thế Âm Bồ tát, tại lễ hội còn có những hóa trang thành các tiểu đồng, các vị Bồ tát khác và các tiên nữ cùng Tứ Thiên vương theo hầu, đều do gia đình Phật tử chùa Quán Thế Âm thực hiện.

Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 Lễ hội lớn của cả nước. Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ năm 2023, Lễ hội Quán Thế Âm được UBND TP. Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố. Năm nay, Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra từ ngày 26/3-29/3/2024 với Lễ Khai mạc vào lúc 17h30 ngày 26/3; Lễ chính thức (Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) vào lúc 7h00 ngày 28/3 và Lễ Bế mạc vào lúc 10h00 ngày 29/3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc Lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO