Hội trà năm nay gồm các hoạt động: Thi hái chè; thi sao chè bằng phương pháp thủ công; không gian trưng bày giới thiệu sản phẩm trà; không gian trưng bày ảnh đẹp Mộc Châu; đêm văn nghệ “Tiếng hát người làm chè” gồm các tiết mục ca, múa, tấu nhạc cụ… độc đáo do chính những công nhân của các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh chè thể hiện.
Trong đó, tham gia phần thi hái chè năm nay có 4 đơn vị gồm: Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, Công ty cổ phần Chè Cờ Đỏ, HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập. BTC đã bố trí 27 luống chè, mỗi đội gồm 7 người, mỗi người hái 1 luống. Chất lượng búp chè phải đạt 1 tôm, không quá 3 lá non, búp chè không bị dập nát, không lẫn lá bánh tẻ, lá già. Thời gian thi là 30 phút.
Chị Phạm Thị Ninh, thành viên của đội thi hái chè thuộc Công ty cổ phần Chè Chiềng Ve, phấn khởi: Đây lầ lần thứ 2, tôi vinh dự được công ty lựa chọn tham gia thi hái chè. Qua phần thi này giúp tôi có thêm kiến thức về kỹ năng hái chè và được giao lưu học hỏi kinh nghiệm với các đội bạn.
“Cây chè đã giúp cuộc sống của gia đình tôi và nhiều nông hộ khác trên địa bàn huyện khá giả và sung túc hơn. Tôi mong hội thi hái chè sẽ được tổ chức thường xuyên, để tạo sân chơi cho những nông hộ trồng chè giao lưu học hỏi lẫn nhau” – chị Ninh chia sẻ.
Tiếp đó, phần thi sao chè là điểm nhấn mới lạ của Hội trà năm nay, với mong muốn giúp nhân dân và du khách hiểu rõ hơn về quy trình chế biến chè thủ công bằng tay khi chưa có máy móc công nghệ hiện đại.
Hội trà Cao nguyên Mộc Châu là sự kiện văn hóa – du lịch được tổ chức thường niên của huyện Mộc Châu. Đây không chỉ là hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của cây chè và sản phẩm trà Mộc Châu mà còn tạo cơ hội hợp tác phát triển du lịch nông nghiệp, từ đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, thông qua hội trà, góp phần nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh chè trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất trong sản xuất, chế biến, tạo sản phẩm chè an toàn để nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm trà. Thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư; tạo cơ hội hợp tác phát triển giữa các doanh nghiệp; hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trong huyện với các doanh nghiệp ngoài huyện để giúp tiêu thụ sản phẩm; góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người nông dân trồng chè của huyện Mộc Châu. Tạo sự tương hỗ, phát triển du lịch nông nghiệp “Thăm quan vùng chè Mộc Châu” nhằm tiếp tục thúc đẩy, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài huyện đến với Khu Du lịch quốc gia Mộc Châu.
Chè Mộc Châu là giống chè Shan Tuyết, được trồng thử nghiệm từ những năm 1958. Sau 60 năm, cây chè Mộc Châu đã phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung với nhiều giống chè chất lượng cao, được chăm sóc theo quy trình riêng biệt như chè Shan Tuyết, Kim Huyên, Bát Tiên, Ô Long…, trồng chủ yếu ở thị trấn Nông trường, xã Phiêng Luông, xã Tân Lập, xã Chiềng Sơn.
Hiện nay, diện tích trồng chè của toàn huyện Mộc Châu đạt hơn 2.000ha, sản lượng 23.000 tấn chè búp tươi/năm. Sản phẩm chè mang thương hiệu Mộc Châu đã có mặt tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Afghanistan… Sản xuất, chế biến chè đã tạo thu nhập và việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Năm 2018, sản phẩm chè Mộc Châu đã được đón nhận quyết định của Cục sở hữu trí tuệ về việc đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với cây chè Shan Tuyết Mộc Châu tại Thái Lan. Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh cây chè shan tuyết Mộc Châu đến với người tiêu dùng trong nước và các nước trong khu vực.