Ngày 20/5, UBND thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”.
Tham gia có đại diện các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán các nước: Áo, Ireland, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Anh... cùng lãnh đạo các Hiệp hội thương mại, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực đô thị thông minh.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu các thành tựu trong việc xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây, Bắc Âu để Đà Nẵng rút kinh nghiệm, áp dụng phù hợp với thực tiễn của thành phố và xu hướng của thế giới
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Cũng từ năm 2014, thành phố bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực: môi trường, môi trường, y tế, giáo dục, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Kế thừa hạ tầng, nền tảng, kinh nghiệm và kết quả đạt được, năm 2018, thành phố đã ban hành kiến trúc thành phố thông minh; chính thức ban hành, triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…
"Để triển khai thành phố thông minh thành công, chúng tôi đã đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính", ông Minh nói.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tế về giao thông thông minh tại Áo, xây dựng giải pháp cấp nước sạch, giảm ùn tắc giao thông ô nhiễm môi trường của Ireland…; những tham luận về tổng quan xây dựng đô thị thông minh, các chính sách phát triển đô thị thông minh của Việt Nam.
Ông Hans-Peter Glanzer - Đại sứ Áo tại Việt Nam cho biết thành phố Vienna khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp với những quãng đường ngắn, hạn chế sử dụng ô tô cá nhân. Mục tiêu của thành phố là thúc đẩy việc đi lại mà không sử dụng ô tô. Hiện nay thành phố đang phấn đấu đến năm 2025 là 80% di chuyển "xanh", 20% di chuyển bằng ô tô cá nhân và ít nhất 10% di chuyển bằng ô tô điện. Tiến tới việc chuyển đổi sang đi lại bằng xe điện, đặc biệt là trong dịch vụ hậu cần và vận chuyển.
Đại diện công ty Điện Quang cũng đưa ra nhiều giải pháp để góp phần xây dựng đô thị thông minh: Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh; Giải pháp chiếu sáng thông minh khu vực công cộng và Giải pháp chiếu sáng - tô điểm công trình,…
Ông Nguyễn Minh Bạch, Giám đốc tư vấn giải pháp thông minh của Điện Quang, cho biết: "Đến thời điểm này, Điện Quang đã hoàn thành 2 dự án góp phần xây dựng đô thị thông minh cho Đà Nẵng, đó là dự án lắp đặt 45 bộ đèn LED thông minh tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng và dự án cung cấp 1.330 đèn LED cho đường hầm Mũi Trâu – Đà Nẵng. Các dự án này đều mang đến giải pháp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, quản lý hệ thống chiếu sáng từ trung tâm và sẵn sàng kết nối đô thị thông minh. Điện Quang hy vọng trong giai đoạn tới sẽ được đồng hành cùng Đà Nẵng tăng cường hợp tác nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ để góp phần tăng động lực phát triển cho khu vực này”.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ban, ngành liên quan chủ động nghiên cứu các mô hình, tiêu chuẩn, giải pháp đã chia sẻ tại hội thảo để đưa vào triển khai các chương trình, dự án thành phố thông minh; đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại thành phố và tiếp cận xu hướng, tiêu chuẩn của thế giới.
Ông Minh cũng đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp từ các quốc gia Tây, Bắc Âu tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho thành phố cả về chuyên gia, công nghệ và nguồn lực tài chính để xây dựng thành công thành phố thông minh.