Nhiều chỉ số giảm
Theo đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng của Đà Nẵng 6 tháng qua chỉ tăng 4,94%, giảm đến 2,86% so cùng kỳ 2018 (tăng 7,84%) và chỉ đóng góp 1,36 điểm % vào tăng trưởng GRDP. Trong đó, công nghiệp tăng 5,68% (6 tháng đầu năm 2018 tăng 9,41%). Mặt hàng có mức giảm cao nhất là dệt, giảm 37% (do Công ty CP Vinatex quốc tế tại Đà Nẵng dừng hoạt động phân xưởng dệt vải); sắt thép giảm 36% (do 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc dừng hoạt động)... Đồng thời, hoạt động sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 20,4%; điện tử giảm 11,6% do Công ty Điện tử Foster Đà Nẵng cắt giảm sản xuất, chế biến thủy sản giảm 2,9 % do một số doanh nghiệp nhỏ và vừa có khó khăn về nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ (Công ty Hải Thanh giảm trên 50% sản lượng…); chế biến sữa giảm 21,1% và sản xuất hóa chất giảm 3,5% do hàng tồn kho còn nhiều, thị trường kém thuận lợi hơn năm trước... Do đó, ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Ngoài công nghiệp thì một số lĩnh vực kinh tế khác của Đà Nẵng cũng tăng trưởng thấp, kéo GRDP Đà Nẵng tăng chậm lại. Chẳng hạn, tổng doanh thu ngành thông tin truyền thông ước đạt hơn 14,8 ngàn tỷ đồng, tăng 1,08% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 841 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 12-13%).
Ngành dịch vụ du lịch vẫn là điểm sáng khả quan nhất với số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,715 triệu lượt, tăng 19,4% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 739 nghìn lượt, tăng 18,4%. Tuy nhiên, số ngày lưu trú bình quân của khách nội địa là 1,66 ngày/lượt, khách quốc tế là 1,98 ngày/lượt, giảm so với cùng kỳ nên doanh thu lưu trú, ăn uống và lữ hành 6 tháng chỉ tăng 10,6%, tăng thấp so với tốc độ tăng của lượt khách.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản - nông - lâm 6 tháng ước đạt 21.452 tấn, đạt 57,25% kế hoạch. TP đã tập trung ngăn chặn, ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn Châu Phi. Trên địa bàn thành phố xảy ra 06 vụ phát lửa cháy rừng với diện tích 8.230 m2 thực bì, lau lách, cây bụi, dây leo bìm bịp trên bán đảo Sơn Trà và 01 vụ xử lý thực bì trồng rừng gây cháy lan 1.400 m2 rừng keo mới trồng của hộ gia đình thuộc địa bàn xã Hòa Liên.
Liên quan đến lĩnh vực thu hút đầu tư, Đà Nẵng đã tổ chức thành công Tọa đàm mùa Xuân, qua đó, đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho 8 dự án, tương đương 492,389 triệu USD và thông báo cho phép 11 dự án nghiên cứu đầu tư, tương tương 3.483 triệu USD. TP hiện có 04 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi được triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 420 triệu USD, trong đó vốn ODA đạt 328,62 triệu USD, chiếm 78% tổng vốn đầu tư, còn lại là vốn đối ứng.
Thúc đẩy các ngành chủ lực
6 tháng cuối năm 2019, TP tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng vào các ngành chủ lực như dịch vụ, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, TP sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển mạnh các ngành dịch vụ giai đoạn 2016 -2020; Kế hoạch hành động số 10652/KH-UBND thực hiện nghị quyết số 09-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chuẩn bị và tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại các thị trường mới như Hồng Kông, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Úc… Phấn đấu năm 2019, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng 9,6% so với cùng kỳ 2018, trong đó khách quốc tế tăng 10,1%, doanh thu cơ sở lưu trú tăng 10%, góp phần đưa tổng doanh thu du lịch tăng 13,8%.
Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, TP sẽ triển khai làm việc, nắm tình hình hoạt động, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý kiến nghị của 02 nhà máy thép Dana - Úc và Dana - Ý. Trình Chính phủ điều chỉnh mở rộng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng cơ bản Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn 1; Chuyển đổi Khu phụ trợ Khu CNC theo hướng nhập vào Khu CNC và đề xuất thành lập cụm công nghiệp phụ trợ để giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các DN có nhu cầu vào KCN. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chính sách phát triển thủy sản; tuyên truyền vận động ngư dân tăng cường bám biển, vừa thúc đẩy phát triển khai thác thủy hải sản vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo; triển khai Dự án nâng cấp mở rộng Cảng cá Thọ Quang; Tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng theo hướng liên kết chuỗi giá trị và thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch.
TP cũng tiếp tục xác định năm 2019 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” phát triển các hoạt động đối ngoại, doanh nghiệp và khởi nghiệp. Tập trung chuẩn bị thủ tục, xúc tiến các dự án trọng điểm động lực cần thu hút đầu tư. Theo dõi thường xuyên các dự án đã cấp chứng nhận đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư tại Tọa đàm mùa Xuân 2019 kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc để dự án được triển khai đúng tiến độ, sớm đi vào sản xuất. Tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của thành phố, trong đó tổ chức hiệu quả các đoàn xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm, tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng, các hoạt động trong chương trình xúc tiến đầu tư 2019, ban hành danh mục các lô đất sạch để kêu gọi đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC Hòa Phú, Hòa Khương….
Ngoài ra, TP cũng chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như đầu tư nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP. Rà soát việc cấp phép và thực hiện báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tại các nhà hàng, khách sạn ven biển; tổng kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện ĐTM; Tiếp tục thực hiện Chương trình quan trắc môi trường nước và không khí….