Tốc độ tăng trưởng GRDP của Bình Định dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bình Định tăng 7,6% so cùng kỳ, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; xếp thứ 4/14 tỉnh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Điểm sáng từ du lịch - dịch vụ
Từ đầu năm đến nay, Bình Định đã tổ chức nhiều chương trình, lễ hội quảng bá hình ảnh du lịch, quê hương đến với các du khách, người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt một số sự kiện mang tầm quốc tế như Tuần lễ Thể thao, Văn hóa và Du lịch Bình Định 2024 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn, thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh, khách quốc tế, góp phần quảng bá thương hiệu, hình ảnh vùng đất và con người Bình Định, đồng thời thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn. Thành phố Quy Nhơn tiếp tục được vinh danh thành phố Du lịch sạch ASEAN 2024. Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch đã chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động đặc sắc để mang lại các trải nghiệm hấp dẫn, mới mẻ cho du khách, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút du khách.
Ngành du lịch cũng đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú; kiểm tra hoạt động vận tải khách du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; tạo hình ảnh về một không gian đẹp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút du khách trong và ngoài nước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Bình Định ước đón được trên 5,6 triệu lượt khách, tăng 106,1% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 15.001 tỷ đồng, tăng 96,9% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thị trường hàng hóa trong tỉnh khá sôi động, phong phú, lưu thông thông suốt, sức mua tăng. Trong 6 tháng đầu năm, có nhiều sự kiện và lễ hội lớn như: Tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương, nghỉ Lễ 30/4 và 01/5, các lễ hội văn hóa, du lịch, thể dục - thể thao, các hội chợ triển lãm,… nên nhu cầu tiêu dùng, giải trí của người dân tăng cao, góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ khởi sắc trở lại, đặc biệt dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống.
UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch, dịch vụ, đặc biệt là tổ chức các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội du lịch Hè năm 2024. Triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm trên địa ban tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực địa phương gắn với hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, nhất là các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo tình hình lưu thông hàng hóa, giá cả thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, xử lý kiên quyết các trường hợp kinh doanh hàng hóa không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc đầu cơ, găm hàng để trục lợi,…
6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 58.333,4 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ. Trong đó, phân theo ngành kinh tế như sau: Thương nghiệp đạt 44.870,4 tỷ đồng, tăng 11,3%; Khách sạn, nhà hàng đạt 8.326,9 tỷ đồng, tăng 29,4%; dịch vụ lữ hành đạt 450,8 tỷ đồng, tăng 61,2%; Dịch vụ tiêu dùng khác đạt 4.685,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản (đất, đá, cát…), kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp khai thác đất, đá, cát… trái phép hoặc không đúng quy định gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách, ô nhiễm môi trường. Phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của các huyện, thị xã, thành phố.
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ phương án xử lý vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác, chất thải, nước thải cả trong sản xuất và sinh hoạt; nâng cao chất lượng công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số trong quản lý đất đai; kiểm tra, xử lý kiên quyết các vụ vi phạm về đất đai, tài nguyên khoáng sản, rừng và đất rừng.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm, công tác thu hút đầu tư tiếp tục được UBND tỉnh Bình Định đẩy mạnh. Đến nay, đã đã tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Thái Lan để mời gọi các dự án đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, cảng biển, logistics... và tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định năm 2024. Cùng với đó, tỉnh cũng còn tổ chức các buổi làm việc doanh nghiệp một số quốc gia như: Israel, Hàn Quốc, UAE, Thái Lan... đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Bình Định.
Về đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm, chưa phát sinh dự án FDI mới trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 89 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,18 tỷ USD; trong đó có 41 dự án trong Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 931,9 triệu USD và 48 dự án ngoài Khu kinh tế và Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,4 triệu USD. Về đầu tư trong nước, toàn tỉnh thu hút mới 24 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 2.960 tỷ đồng. Trong đó có 8 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 374,1 tỷ đồng; 9 dự án trong Cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 694,6 tỷ đồng; 7 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư 1.891,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay đã thực hiện điều chỉnh 34 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 692,4 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu hút được 27 dự án, đạt 27% kế hoạch cả năm.
Một số dự án lớn đã được chấp thuận chủ trương trong thời gian qua như: dự án Khu nhà ở kết hợp chỉnh trang đô thị tại khu vực phía Nam và phía Bắc đường Tăng Bạt Hổ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước của Liên danh Công ty CP Phú Tài và Công ty CP Đầu tư An Phát Land với tổng vốn đầu tư 861 tỷ đồng; Khu sản xuất, chế biến nông, lâm sản tập trung của Công ty Cổ phần Vinanutrifood Bình Định với tổng vốn đầu tư 495 tỷ đồng...
Trong 6 tháng cuối năm 2024, Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tập trung xúc tiến, thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Huy động mọi nguồn vốn nhằm đáp ứng yêu cầu chi đầu tư; đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ nhằm tăng nguồn cho đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn,...