Diễn đàn đối thoại “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” |
Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định đã góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp và thực hiện bình đẳng giới trên nhiều lĩnh vực… Trong 3 năm qua, Hội LHPN TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo cơ sở Hội thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 939. Thành Hội và các cấp Hội đã tổ chức 18 lớp tập huấn về các chuyên đề “Khởi nghiệp và xây dựng kế hoạch kinh doanh”, “Xây dựng và phát triển mô hình kinh doanh”, “Kiến thức kinh doanh thời đại số - Digital 4.0”… cho 430 chị hội viên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi. Hội LHPN đã hướng dẫn, tiếp nhận, hỗ trợ 519 ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp từ hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố. Theo đó đã chọn được 18 ý tưởng tham gia cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp” cấp thành phố năm 208, 2019. Có rất nhiều ý tưởng đã bước đầu thành công với nhiều doanh nghiệp/hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết sản xuất/mô hình phụ nữ phát triển kinh tế hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, nằm trong Đề án 939, Hội LHPN TP. Đà Nẵng đã tổ chức thành công Ngày hội “Phụ nữ Khởi nghiệp - Sáng tạo” trong vòng 2 năm qua và đã thu hút hàng trăm sản phẩm đa dạng, phong phú đến từ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… tham gia Ngày hội.
Trong 3 năm qua, Hội LHPN TP. Đà Nẵng đã giải ngân hơn 89 tỷ đồng từ Qũy Hỗ trợ Phụ nữ phát triển cho hơn 4.000 phụ nữ vay vốn phát triển kinh doanh/kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, các cấp Hội đã tín chấp cho 25.232 hộ vay vốn. Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay để khởi nghiệp đã thành lập mới 5 hợp tác xã; phát triển mới 16 tổ, nhóm nâng tổng số mô hình khinh doanh lên 240 mô hình, góp phần giải quyết việc làm cho 2.720 lao động nữ.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cấp, ngành phối hợp với Hội LHPN thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp |
Tại diễn đàn, các vấn đề liên quan đến khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp rất được các chị em phụ nữ quan tâm như: thủ tục, điều kiện hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; phương thức tiếp cận đơn giản việc kê khai và nộp thuế; vấn đề giải pháp để sản xuất và giới thiệu sản phẩm lưu niệm; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Liên quan đến vấn đề tổ chức sản xuất rau an toàn từ ý tưởng khởi nghiệp của Hội LHPN huyện Hòa Vang, chị Lê Huyền Trâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang cho hay, hiện nay, rau được sản xuất ở vùng an toàn theo tiêu chuẩn VietGgap nhưng chưa được kiểm định thì ra thị trường sẽ được bán lẫn lộn với những loại rau khác, sẽ thiệt thòi cho cả người bán lẫn người mua. Để giúp người sản xuất an toàn tiêu thụ được sản phẩm, tạo ra cạnh tranh, khuyến khích tổ chức rau an toàn. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất tất cả các chợ do nhà nước quản lý, mỗi chợ có một khu bán rau sạch an toàn, không cho nhầm lẫn với các loại vùng rau chưa được chứng nhận an toàn. “Ở đó, có thể đặt 5 - 7 ki ốt từ chợ đầu mối đến chợ cấp 2, cấp 3. Chỉ cần kiểm định một lần từ nơi sản xuất chứ đến chợ không cần phải kiểm định nữa”, ông Thơ nói.
Trong đó, vấn đề giải pháp để sản xuất và giới thiệu sản phẩm lưu niệm của mô hình dệt thổ cẩm cho người Cơ Tu (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cũng được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ quan tâm. Theo ông, đây là mô hình hay có tiềm năng, ông đề nghị Sở Khoa Học và Công nghệ phối hợp với Sở Công thương nghiên cứu để khôi phục văn hóa Cơ Tu thông qua các sản phẩm truyền thống handmade, thành phố sẽ hỗ trợ chi phí để triển khai.
Kết thúc buổi tạo đàm, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cấp, ngành, địa phương phối hợp với Hội LHPN thành phố triển khai các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực về khởi nghiệp; về cơ chế, chính sách… qua đó tiếp tục duy trì các thành quả đã đạt được, tăng cường các giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế.